San sẻ giọt hồng, cứu giúp người bệnh

09:57 - Thứ Năm, 14/03/2024 Lượt xem: 5750 In bài viết

ĐBP - 22 giờ, khi đang quây quần bên gia đình, anh Vũ Văn Quảng nhận được điện thoại khẩn của cán bộ Trung tâm Huyết học và Truyền máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) báo cần người hiến máu gấp cho bệnh nhân cấp cứu. Không chần chừ, anh Quảng lập tức đến bệnh viện hiến máu. Cùng với anh Quảng, những “ngân hàng máu sống” khác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng luôn sẵn sàng hiến những giọt hồng, giúp người bệnh chiến thắng trong cuộc chiến sinh - tử.

Tình người lúc nguy nan

Tháng 1/2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận bệnh nhân bị tai nạn giao thông, nát 2 chi và vỡ xương chậu, tình trạng rất nguy kịch cần phải phẫu thuật khẩn cấp. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân bị thiếu máu nặng, trong khi đó kho máu của bệnh viện đã hết máu thuộc nhóm O. Trước tình hình nguy cấp, các cán bộ, y bác sĩ tại bệnh viện đã không chút đắn đo, sẵn sàng hiến máu để kịp thời truyền bổ sung cho bệnh nhân trong quá trình cấp cứu.

Trực tiếp tham gia hiến máu và huy động các “ngân hàng máu sống” hiến máu cứu bệnh nhân, chị Trần Thị Trang Mỹ Linh, cán bộ Khoa Xét nghiệm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) nhớ lại: Bệnh nhân bị tai nạn giao thông, nhập viện vào buổi tối, lúc này nhiều y, bác sĩ đã được nghỉ. Khi nhận được thông báo, nhiều cán bộ, bác sĩ đã ngay lập tức trở về bệnh viện, sẵn sàng truyền máu. Trong quá trình cấp cứu, bệnh nhân cần hàng chục đơn vị máu. Vì vậy, hơn 30 y, bác sĩ đã lập tức tham gia hiến máu với hi vọng cứu sống bệnh nhân.

Suy nghĩ của chị Linh cũng là suy nghĩ chung của các cán bộ, y bác sĩ trong toàn bệnh viện. Bởi hơn ai hết, họ là những người công tác trong ngành y, tận mắt chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân cần máu để duy trì sự sống. Do đó, những cán bộ, y, bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng đều nhận thức rõ về tầm quan trọng, ý nghĩa cao cả của việc hiến máu cứu người.

Bác sĩ Vũ Văn Quảng, Khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) là một trong những cán bộ thường xuyên tham gia các hoạt động hiến máu tình nguyện. Trong gần 10 lần hiến máu, có 3 lần bác sĩ Quảng tham gia hiến máu cấp cứu cho bệnh nhân. Bác sĩ Quảng chia sẻ: Bệnh nhân cần máu trong phẫu thuật thường là những trường hợp nặng, nguy kịch, chủ yếu là bị tai nạn giao thông, cấp cứu sản khoa và xuất huyết tiêu hóa. Vì vậy, khi được bệnh viện huy động, tôi luôn sẵn sàng. Với tôi, hiến máu là một việc làm rất ý nghĩa, bởi những giọt máu của mình cho đi sẽ góp phần nhân lên hi vọng sống cho người bệnh.

Nhiều năm nay, câu chuyện về những cán bộ, các y bác sĩ sẵn sàng hiến máu để cấp cứu bệnh nhân đã không còn hiếm. Với họ, mỗi lần hiến máu khẩn cấp luôn để lại những câu chuyện đáng nhớ. Nhưng chung quy lại là niềm hi vọng về những giọt máu trao đi có thể giúp người bệnh chiến thắng trong cuộc chiến sinh - tử.

Kết nối sự sẻ chia

Trước thực tế nguồn máu dự trữ của bệnh viện không phải lúc nào cũng đáp ứng đủ cho công tác cấp cứu, phẫu thuật. Đặc biệt đối với phẫu thuật ngoại, sản khoa cần một lượng máu lớn bởi đa phần bệnh nhân mất máu nặng, cần truyền máu kịp thời, trong khi đó cơ số máu lưu trữ chỉ đáp ứng một số lượng hạn chế. Việc các “ngân hàng máu sống” luôn sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cấp cứu bệnh nhân.

Theo bác sĩ Trần Thị Lịch, Trưởng khoa Xét nghiệm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), những trường hợp bệnh nhân phải gọi các “ngân hàng máu sống” cho máu đa số là những trường hợp cấp cứu rất nguy kịch. Mỗi một bệnh nhân nếu ít thì phải truyền 4 - 5 đơn vị máu, nhưng có những bệnh nhân có khi phải truyền hàng chục đơn vị máu. Trong khi nguồn máu dự trữ tại bệnh viện không phải lúc nào cũng đầy đủ, đặc biệt là nhóm máu hiếm. Khi đó, bệnh viện có thể nhanh chóng huy động các “ngân hàng máu sống” có cùng nhóm máu để tiến hành lấy máu hiến mà không mất thời gian xét nghiệm sàng lọc sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu máu và hỗ trợ rất tích cực trong việc cứu sống bệnh nhân.

Xác định sâu sắc mục đích, ý nghĩa của việc hiến máu tình nguyện, thời gian qua Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền vận động nâng cao hiểu biết và trách nhiệm của mỗi cán bộ, y bác sĩ, nhân viên về mục đích, ý nghĩa của việc hiến máu tình nguyện và an toàn truyền máu. Tiến hành thường xuyên, kịp thời, hiệu quả các đợt cao điểm hiến máu.

Từ sự quan tâm của cán bộ, đoàn viên, phong trào hiến máu tình nguyện trở thành hoạt động thường xuyên, sâu rộng trong bệnh viện. Đặc biệt, số lượng “ngân hàng máu sống” ngày càng gia tăng, với hơn 150 người là các y, bác sĩ, nhân viên trong bệnh viện tham gia. Mỗi người tham gia đều được xác định nhóm máu, có số điện thoại liên lạc, địa chỉ kèm theo. Vì vậy khi có bệnh nhân cần máu, bệnh viện sẽ gọi cho “ngân hàng máu sống” có máu phù hợp để kịp thời hiến máu cấp cứu bệnh nhân.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Với phương châm “Lấy người bệnh làm trung tâm trong mọi hoạt động; y đức là cốt tử, chuyên môn là quan trọng; xây dựng người thầy thuốc vừa hồng vừa chuyên...”; cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện luôn đồng sức, đồng lòng vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Với sự cảm thông và sẻ chia, sự đồng điệu của những trái tim nhân ái, tình cảm và trách nhiệm cao với cộng đồng, những “ngân hàng máu sống” của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang âm thầm đóng góp một phần quan trọng vào việc cứu sống và điều trị cho các bệnh nhân, nhân lên những hạt giống của lòng nhân ái, sẻ chia để làm đẹp thêm cho đời.

Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top