Việt Nam được chọn nghiên cứu vắc xin M72 do có gánh nặng bệnh lao cao

14:53 - Thứ Năm, 21/03/2024 Lượt xem: 4000 In bài viết

Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia triển khai nghiên cứu vắc xin phòng bệnh lao M72.

Đó là thông tin được đưa ra tại mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao (24-3) với chủ đề “Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao” do Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Phổi Hà Nội phối hợp với Chương trình Chống lao quốc gia tổ chức ngày 21-3.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2023, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên thế giới trong số các bệnh truyền nhiễm, chỉ sau Covid-19. Điều đáng nói là các mục tiêu toàn cầu trong công tác chống lao hiện nay vẫn chậm tiến độ.

Quang cảnh buổi lễ.

Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11/30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Năm 2023, ước tính có thêm 172.000 người mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao. Lao đa kháng thuốc ước tính khoảng 9.200 ca, chiếm 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị.

Ngoài ra, người bệnh lao đồng nhiễm HIV ước tính khoảng 4.300 ca, chiếm 2,5% trong số bệnh nhân lao được phát hiện.

Riêng tại Hà Nội, dịch tễ lao đang xếp ở mức trung bình tại khu vực miền Bắc (51/100.000 dân) với 4.057 bệnh nhân lao các thể được phát hiện năm 2023.

Ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao thành phố cho biết, mục tiêu mà Chương trình Chống lao thành phố Hà Nội đặt ra trong năm 2024 là giảm nhanh tỷ lệ mắc bệnh mới, giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 45 người/100.000 dân.

Ngoài ra, giảm tỷ lệ tử vong do lao trên địa bàn thành phố xuống dưới 4 người/100.000 dân. Đồng thời, giảm tối đa nguy cơ phát sinh tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn lao, khống chế số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện.

Ảnh minh họa.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Phó Trưởng ban Điều hành Chương trình Chống lao quốc gia cho rằng, thời gian qua, Chương trình Chống lao quốc gia đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Cụ thể, năm 2023 có 106.086 trường hợp mắc lao các thể được phát hiện (tăng so với cùng kỳ năm 2021 và 2022 lần lượt là 34,4% và 2,2%); phát hiện lao kháng đa thuốc năm 2023 là 3.775 bệnh nhân (cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 7,8%, 45,8% và 9,5%). Tỷ lệ điều trị thành công của bệnh nhân lao được duy trì ở mức cao (trên 90%).

Tuy vậy, theo PGS.TS Nguyễn Bình Hòa, công tác chống lao tại Việt Nam còn gặp không ít khó khăn và thách thức. Đó là vẫn còn tới hơn 40% bệnh nhân lao nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị. Ngoài ra, công tác sàng lọc phát hiện chủ động lao trong nhóm người nguy cơ cao tại vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; sự tham gia của của các tổ chức chính trị, xã hội, dân sự trong công tác phòng, chống lao còn hạn chế…

Để tiến tới chấm dứt bệnh lao, WHO cũng như Chương trình Chống lao quốc gia Việt Nam hy vọng vào những đột phá mới như: Thuốc mới, phương pháp điều trị mới, công nghệ mới…, đặc biệt quan trọng là vắc xin phòng bệnh lao.

Theo PGS.TS Nguyễn Bình Hòa, từ rất lâu, WHO đã đưa ra khuyến cáo là đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin phòng bệnh. Đến thời điểm hiện nay, có 16 loại vắc xin lao đã được nghiên cứu các thử nghiệm lâm sàng, trong đó vắc xin M72 là nghiên cứu ít nhất 1 lần tiêm đã đạt qua được mức khuyến cáo của WHO với độ bảo vệ khoảng 50%. Việt Nam được lựa chọn là 1 trong 7 quốc gia để triển khai nghiên cứu vắc xin này.

“Các quốc gia được lựa chọn để triển khai nghiên cứu về vắc xin là những quốc gia có khả năng về nghiên cứu, đồng thời cũng là những nước có gánh nặng bệnh lao cao”, PGS.TS Nguyễn Bình Hòa thông tin.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top