Bộ Y tế đề xuất Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết cấm thuốc lá thế hệ mới

15:55 - Thứ Sáu, 22/03/2024 Lượt xem: 4493 In bài viết

Với mục đích ngăn chặn việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, Bộ Y tế sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng trình Chính phủ, trình Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cấm thuốc lá thế hệ mới vì những hệ lụy sức khỏe với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ hiện nay.

Thạc sĩ Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế phát biểu.

Ngày 22/3 Bộ Y tế tổ chức hội thảo cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá mới và đề xuất biện pháp quản lý các sản phẩm này để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Thuốc lá điện tử có thật sự ít tác hại so với thuốc lá truyền thống?

Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử (tỷ lệ chung) năm 2020 tăng 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%). Năm 2020, sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15-24 tuổi với tỷ lệ là 7,3%, sau đó là nhóm tuổi 25-44 tuổi (3,2%).

Năm 2023, Trường Đại học Y tế công cộng đã có một khảo sát khối học sinh từ lớp 6 đến 12 ở 11 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới trưởng thành (trên 15 tuổi) giảm trung bình 0,5%/năm.

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong thanh thiếu niên giảm, đặc biệt ở trong nhóm tuổi từ 13 đến 17 tuổi (giảm 50%) là kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong giới trẻ.

Sử dụng thuốc lá điện tử cũng vẫn tập trung cao ở nhóm tuổi trẻ 15-24 tuổi với tỉ lệ là 7,3%; nhóm tuổi 25-44 tuổi là 3,2%; nhóm tuổi 45-64 tuổi là 1,4%.

Ngoài nicotin, thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có hàng nghìn hóa chất độc hại và hơn 16.000 loại hóa chất tạo hương vị như mùi bạc hà, socola, trái cây,… để giảm độ gắt của nicotin, làm cho sản phẩm dễ sử dụng hơn và tạo mùi vị hấp dẫn, thu hút người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ.

Thạc sĩ Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho hay, thuốc lá điện tử, thuốc lá mới diễn ra phổ biến, tăng nhanh ở mức đáng báo động, có trong cả giới trẻ, trẻ em gái. Nhà nước có nhiều biện pháp quản lý, xử lý hành vi buôn lậu nhưng thực tế tình trạng này vẫn đang diễn ra. Ngành công nghiệp thuốc lá đang tuyên truyền coi là tốt hơn sức khỏe so với thuốc lá điếu. Trong khi cơ chế vận hành, tác hại với sức khỏe của thuốc lá thế hệ mới không thật sự tốt hơn so với thuốc lá truyền thống.

Việc cho phép sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới sẽ đi ngược lại với cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá, mục tiêu của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 và các Kế hoạch, chiến lược về nâng cao sức khỏe tại Việt Nam.

Việc cho phép thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng sẽ làm gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt là thanh thiếu niên.

Trong khi đó, việc thu thuế từ thuốc lá điện tử mang lại cho nhà nước không đáng kể nếu tính toán, so với chi phí gánh nặng bệnh tật, suy giảm phát triển kinh tế do sức khỏe người dân bị giảm sút, suy giảm chất lượng dân số, giống nòi, môi trường, nguồn lực nhà nước phải đầu tư cho y tế, môi trường...

Đề xuất Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết cấm thuốc lá thế hệ mới

Thạc sĩ Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đề xuất Nhà nước cần phải có chế tài cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá mới: phù hợp xu hướng trên thế giới đối với phần lớn các quốc gia trong nhóm thu nhập thấp và trung bình, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.

Hiện tại, trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế thế giới cho hay, theo khuyến cáo của WHO, các sản phẩm thuốc lá mới rất độc hại, cả tác hại lâu dài và ngay trước mắt. Nếu không được ngăn chặn hiệu quả, sẽ có nguy cơ cao tạo ra một thế hệ trẻ nghiện nicotine và nhấn chìm những kết quả của phòng, chống tác hại thuốc lá trong những năm gần đây.

“Hiện tại các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam. Tuy nhiên các sản phẩm lậu được bán khá tràn lan và việc thực thi rất yếu. Việc duy trì tình trạng như hiện nay sẽ tới tình trạng sử dụng tiếp tục tăng nhanh trong giới trẻ”, bác sĩ Lâm cho hay.

Do đó, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm cũng khuyến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nicotine, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo và khuyến mãi các sản phẩm này ở Việt Nam. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm thực thi và chế tài.

Nhóm sản phẩm cần cấm gồm: Các sản phẩm nicotine bao gồm thuốc lá điện tử, túi nicotine và các sản phẩm nicotine mới nổi khác; hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine (thuốc lá điện tử không chứa nicotine); sản phẩm thuốc lá nung nóng.

Về lâu dài, cần chuyển và hoàn thiện tiếp các quy định cấm từ nghị quyết vào trong luật sửa đổi luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.

Bà Thủy cho biết, từ các ý kiến đóng góp tại hội thảo, Bộ Y tế sẽ có dự thảo văn bản trình Chính phủ và trình Quốc hội để sớm có biện pháp quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới thông qua việc ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá mới khác.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top