Thiếu quy định về đăng ký thực phẩm nhập khẩu có chứa phụ gia mới

08:02 - Thứ Bảy, 23/03/2024 Lượt xem: 4790 In bài viết

Ngày 22-3, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo “5 năm triển khai Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về an toàn thực phẩm: Kết quả, vấn đề và kiến nghị”.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Theo ông Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), ngày 2-2-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Nghị định được đánh giá là cải cách thể chế đột phá, thể hiện thay đổi căn bản trong tư duy về quản lý nhà nước, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

“Đến nay, Nghị định đã triển khai được 5 năm. Đây là văn bản pháp lý có tác động lớn tới cộng đồng doanh nghiệp ngành thực phẩm và làm thay đổi cách thức quản lý của nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Việc đánh giá tác động có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình xây dựng và tổ chức thực thi chính sách về quản lý an toàn thực phẩm cũng như chính sách về quản lý nhà nước”, ông Đặng Đức Anh nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết, trên cơ sở khảo sát doanh nghiệp qua phiếu hỏi và khảo sát thực tế tại các cơ quan hải quan; hiệp hội doanh nghiệp; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm cho thấy, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP được đánh giá là điển hình cải cách về phương thức quản lý nhà nước đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và hàng hóa. Các cơ quan thực thi và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những thay đổi của Nghị định và kỳ vọng điều này sẽ tạo tiền lệ tốt cho cải cách trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác.

Cùng với đó, những thay đổi nổi bật của Nghị định 15 là: Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của hàng hóa; bổ sung các đối tượng được miễn kiểm tra; cải cách toàn diện quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu; phân cấp, khắc phục tình trạng quản lý chồng chéo, tầng nấc, trùng lặp; tạo sự linh hoạt, chủ động cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm…

Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp tiết giảm được về thời gian, chi phí và giảm rủi ro; có thêm cơ hội đa dạng hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, số lượng doanh nghiệp ngành thực phẩm tăng lên nhanh chóng; tạo cơ hội việc làm, thu nhập cho hàng chục triệu lao động; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của nền kinh tế.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, hoạt động hậu kiểm được tăng cường và thực hiện thường xuyên hơn. Cơ quan hải quan được giảm tải áp lực thông quan; thời gian giải phóng hàng nhanh, đáp ứng yêu cầu thông quan theo các cam kết quốc tế.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam cho rằng, tuy có nhiều nội dung cải cách tích cực, song Nghị định số 15/2018/NĐ-CP vẫn còn một số điểm cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

Đơn cử như quy định chưa rõ ràng, cụ thể trong cách thức xác định tỷ lệ lô hàng nhập khẩu trong trường hợp áp dụng phương thức kiểm tra giảm; thực thi thiếu nhất quán đối với trường hợp sản phẩm là mẫu thử nghiệm; còn thiếu các quy định về đăng ký các thực phẩm nhập khẩu có chứa phụ gia mới…

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top