Phòng nguy cơ cúm gia cầm lây sang người

06:40 - Chủ Nhật, 31/03/2024 Lượt xem: 6429 In bài viết

Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã ghi nhận 6 ổ dịch cúm gia cầm rải rác tại 6 tỉnh, thành phố.

Đáng chú ý, ngày 23-3, một nam sinh viên Trường Đại học Nha Trang (Khánh Hòa) đã tử vong do mắc cúm A/H5N1. Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Không chủ quan với cúm A/H5N1

Theo báo cáo của Bộ Y tế, bệnh nhân mắc cúm A/H5N1 rồi tử vong nói trên đã có biểu hiện sốt, ho và tự điều trị nhưng không thuyên giảm nên đến khám, điều trị tại Trung tâm Y tế Ninh Hòa, Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán là viêm phổi. Sau đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm và kết quả khẳng định, bệnh nhân dương tính với cúm A/H5N1. Tuy nhiên, do bệnh tình diễn tiến nặng, bệnh nhân đã tử vong.

Theo kết quả điều tra dịch tễ, bệnh nhân có đi bẫy chim hoang dã vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán 2024. Xung quanh khu vực gia đình bệnh nhân sinh sống không có hiện tượng gia cầm ốm, chết. Các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân được lập danh sách và theo dõi sức khỏe hằng ngày, đến nay chưa phát hiện thêm ca mắc mới.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đây là trường hợp mắc cúm A/H5N1 thứ 2 kể từ năm 2014 sau nhiều năm không ghi nhận ca mắc bệnh trên người tại Việt Nam. Trước đó, tháng 10-2022, tại Phú Thọ ghi nhận 1 người mắc cúm A/H5N1. Tích lũy từ 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 người nhiễm cúm A/H5N1, trong đó có 65 người tử vong (50,8%).

Trên thế giới, từ cuối năm 2023 đến nay, ghi nhận nhiều đợt bùng phát cúm gia cầm trên động vật ở tất cả các khu vực, chủ yếu là do chủng virus cúm A/H5N1.

Con người có thể bị nhiễm virus cúm A truyền từ động vật, như virus cúm gia cầm A, thuộc type A (H5N1), A (H5N6), A (H7N9), A (H7N7) và A (H9N2) và virus cúm lợn A type A (H1N1), A (H1N2) và A (H3N2). Tuy nhiên, cúm A/H5N1 trở thành “sát thủ” nguy hiểm bởi đây là chủng virus có khả năng cho ra đời các biến thể với tốc độ rất nhanh, có thể chứa nhiều gen của nhiều loài động vật khác nhau. Loại virus này có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Phân biệt cúm A/H5N1 và các loại cúm thông thường

Theo bác sĩ Đinh Văn Chỉnh, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, khi mắc phải cúm gia cầm H5N1, bệnh nhân sẽ bị sốt cao, ho, mệt mỏi, hôn mê, đau nhức toàn thân... Người bệnh nhiễm cúm A/H5N1 thường có những biểu hiện giống với cúm thông thường ở giai đoạn khởi phát nên dễ bị nhầm lẫn và kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm hơn như ho nhiều hơn, ho khan và cả ho có đờm; sốt cao liên tục; rối loạn ý thức, giảm tỉnh táo, trí nhớ giảm, mệt mỏi, đau rát họng, đỏ và nóng da, hôn mê, đau đầu, đau thái dương, đau hốc mắt, đau xương khớp, toàn thân đều đau nhức...

Do đó, ngay khi có những dấu hiệu trên xuất hiện thì bệnh nhân cần đi khám và kiểm tra ngay để chẩn đoán, điều trị bệnh kịp thời; tránh nguy cơ biến chứng có thể đe dọa đến tính mạng. Nếu không được điều trị hoặc can thiệp muộn, bệnh cúm gia cầm H5N1 có thể dẫn đến những nguy cơ biến chứng như bội nhiễm tai mũi họng - tỷ lệ cao đối với trẻ nhỏ; tổn thương các cơ quan trong hệ hô hấp: Viêm phổi, viêm phế quản.

Nhiều trường hợp bệnh nhân bị nhiễm cúm H5N1 dẫn đến suy đa tạng: Suy gan, thận, não, suy giảm hệ miễn dịch do giảm mạnh số lượng bạch cầu trong máu. Các biến chứng khác: Viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, viêm màng não lympho, phù não, đông máu nội mạch rải rác...

Đáng lo ngại, ở người, tỷ lệ tử vong do nhiễm các type A (H5N1), A (H5N6) và A (H7N9) cao hơn nhiều so với nhiễm virus cúm mùa A và B, trong khi hầu hết các trường hợp nhiễm cúm A (H7N7) và A (H9N2) thường gây bệnh nhẹ hơn. Virus A/H5N1 là chủng cúm độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ cao (~50%). Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc đặc trị hiệu quả cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A/H5N1 lây từ người sang người.

Thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa và thời tiết nhiều thay đổi bất ngờ có lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Do đó, để chủ động phòng, chống dịch cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn gia cầm và các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

Người dân không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không giết mổ, sử dụng, phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y; hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở, bệnh nhân có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top