Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số

09:36 - Thứ Tư, 03/04/2024 Lượt xem: 5909 In bài viết

Những năm qua, hệ thống khám, chữa bệnh chuyên ngành sản-nhi đã phát triển mạnh mẽ từ Trung ương đến cơ sở. Nhiều thành tựu khoa học-kỹ thuật tiên tiến trên thế giới đã được nghiên cứu, ứng dụng, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản của nhân dân.

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (nay là các Mục tiêu phát triển bền vững về sức khỏe bà mẹ, trẻ em). Để tiếp tục thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, từng bước đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, Quốc hội, Chính phủ đã phê duyệt, triển khai Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, trong đó có nhiều mục tiêu quan trọng về sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em.

Nhiều kỹ thuật mới trong chăm sóc, cấp cứu sản-nhi thời gian qua được chuyển giao cho các bệnh viện vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thể hiện ý nghĩa nhân văn, sự quan tâm, chia sẻ của toàn xã hội-một cam kết sâu sắc trong nỗ lực không ngừng nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống, sức khỏe cho những cộng đồng dân tộc thiểu số, những người thường xuyên phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng.

Nhờ những nỗ lực đó, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em đạt nhiều kết quả nổi bật như: Tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm hơn 5 lần, từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn trên 44/100.000 trẻ đẻ sống năm 2023; tỷ suất tử vong trẻ em giảm, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cũng giảm từ mức 53% xuống còn 11%. Hệ thống khám, chữa bệnh các chuyên ngành và chuyên ngành sản-nhi đã phát triển mạnh mẽ từ Trung ương đến cơ sở. Nhiều thành tựu khoa học-kỹ thuật tiên tiến trên thế giới đã được nghiên cứu, ứng dụng nhằm nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản của nhân dân.

Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa tới một số đơn vị y tế tỉnh Yên Bái. Ảnh: Vụ Bà mẹ- Trẻ em (Bộ Y tế) cung cấp 

GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, bên cạnh những thành tựu của ngành y tế đạt được trong năm 2023, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tình trạng sức khỏe của người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tử vong mẹ, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em tuy đã giảm nhưng còn có chênh lệch, cách biệt rất lớn giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, giữa các nhóm dân tộc. Đặc biệt, tử vong mẹ, tử vong trẻ em và suy dinh dưỡng trẻ em còn rất cao ở vùng khó khăn, trong các hộ nghèo, cận nghèo và một số nhóm dân tộc thiểu số. Điều đó đòi hỏi thêm nhiều hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí cho đồng bào các dân tộc, kết hợp chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trên cho tuyến dưới.

Do đó, năm 2024, Bộ Y tế xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường và đổi mới mạnh mẽ y tế cơ sở trong tình hình mới, hướng tới thực hiện bao phủ sức khỏe toàn dân. Cùng với đó là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ người dân, tạo được sự hài lòng của người bệnh. Ngành y tế cũng đang quyết liệt triển khai chuyển đổi số. Đây là cơ sở cho các chương trình tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là việc ứng dụng chuyển đổi số y tế, chuyển giao công nghệ trong khám và điều trị bệnh cho tuyến cơ sở, hướng tới những khu vực khó khăn, miền núi, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại Quyết định phân công phạm vi chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh chuyên ngành sản phụ khoa, Bộ Y tế đã phân công rõ chức năng, nhiệm vụ của những bệnh viện đầu ngành trong lĩnh vực phụ sản có trách nhiệm hỗ trợ tuyến dưới. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đã xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật y tế cho Bệnh viện Sản nhi tỉnh, các bệnh viện huyện của tỉnh Lào Cai và Yên Bái, trong đó có nhiều kỹ thuật quan trọng như xử trí cấp cứu sản khoa và sơ sinh, phẫu thuật nội soi tại bệnh viện tuyến huyện. Kết quả của sự hợp tác là hàng loạt kỹ thuật cao đã được chuyển giao, góp phần nâng cao năng lực trong xử trí cấp cứu và điều trị, góp phần giảm tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc khu vực Tây Bắc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định, Bộ Y tế sẽ tiếp tục huy động sự chung tay của các tổ chức, cá nhân đồng hành với ngành y tế, góp phần vào việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế, đặc biệt tuyến cơ sở tại những tỉnh còn khó khăn; hướng tới mọi người dân khu vực Tây Bắc được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top