Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước có 10.196 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, các tỉnh khu vực phía Nam có hơn 7.500 ca, chiếm 74,1% tổng số ca mắc tay chân miệng của cả nước, miền Bắc có hơn 1.300 ca mắc, tiếp đến là miền Trung với khoảng 1.000 ca mắc; khu vực Tây Nguyên ghi nhận ít nhất tính đến nay với 200 ca mắc. Số ca mắc tay chân miệng ghi nhận chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non, có đến trên 90% trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh.
Bệnh tay chân miệng đến nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, trong khi bệnh này lây chủ yếu theo đường tiêu hóa từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.
Tiêm vaccine là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh cho trẻ em. Ảnh: Phong Lan |
Cùng với dịch tay chân miệng, đến nay cả nước đã ghi nhận 118 ca mắc ho gà, tăng 6,8 lần so với cùng kỳ 2023. Riêng tại Hà Nội trong số 48 ca mắc chủ yếu dưới 3 tháng tuổi (38/48 trường hợp, chiếm 79%), có 47/48 trường hợp chưa tiêm/chưa đến lịch tiêm vaccine có thành phần ho gà trong đó 27 trường hợp dưới 2 tháng tuổi, chưa đến lịch tiêm chủng; chỉ có 1/48 trường hợp được tiêm 2 mũi vaccine có thành phần ho gà.
Về bệnh sốt xuất huyết, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 14.542 trường hợp mắc, giảm khoảng 49% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó miền Nam có hơn 8.100 ca (chiếm 56,1%); miền Trung hơn 4.700 ca (chiếm 32,9%); các tỉnh miền Bắc hơn 800 ca (chiếm 6%); các tỉnh Tây Nguyên hơn 700 ca (chiếm 5%)
Về dịch sởi, từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận 130 ca mắc sởi, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ 2023. Các ca mắc ghi nhận trong năm, có xu hướng cao trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4.
Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), kết quả phân tích 12 ca bệnh sởi cho thấy, 7/12 ca bệnh (chiếm tỷ lệ 58,4%) đã được tiêm 2 mũi vaccine sởi nhưng vẫn mắc bệnh. Các trường hợp này đều có biểu hiện nhẹ và đã ra viện. Ngoài ra, có 3/12 ca bệnh không rõ tình trạng, chỉ có 1 trường hợp chưa đến độ tuổi tiêm chủng và 1 trường hợp chưa tiêm chủng.
Để phòng, chống các bệnh có vaccine dự phòng cần tăng cường triển khai tiêm chủng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Đặc biệt quan tâm các bệnh có vaccine nhưng vẫn có tỷ lệ mắc hàng năm sởi, ho gà, bạch hầu.
Cùng với đó, các địa phương cần xác định điểm có ổ dịch nhỏ hoặc khu vực có nhiều ca mắc rải rác trên cơ sở đó có đánh giá tỷ lệ tiêm chủng qua phần mềm báo cáo tiêm chủng và điều tra dịch tễ tiêm chủng nhằm tập trung đẩy mạnh tiêm bù, tiêm vét, tiêm đầy đủ.