Đã có 29 ca tử vong do bệnh dại tại 17 địa phương

08:42 - Thứ Tư, 24/04/2024 Lượt xem: 6133 In bài viết

Tại 17 tỉnh, thành phố đã ghi nhận 29 ca tử vong do bệnh dại từ đầu năm 2024 cho đến nay, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tại nước ta, từ năm 2022 đến nay, bệnh dại có xu hướng gia tăng. Năm 2023, cả nước có 82 người chết vì bệnh dại, gần 675.000 người phải điều trị dự phòng bệnh. Trong đó, 80% trường hợp do chó cắn, 18% do mèo, còn lại do các động vật khác như khỉ, chuột, dơi.

Vắc xin phòng dại thế hệ mới hiện nay bảo đảm an toàn, không ảnh hưởng đến thần kinh và trí nhớ. (Ảnh do Hệ thống tiêm chủng VNVC cung cấp).

Đặc biệt, thời gian gần đây, số người chết do bệnh dại liên tục tăng. Từ đầu năm 2024 đến ngày 16-4, ghi nhận 29 ca tử vong do bệnh dại tại 17 tỉnh, thành phố (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023).

Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo thống kê, thời gian cao điểm ghi nhận các ca bệnh dại thường là mùa hè, tập trung vào các tháng 8, 9 trong năm. Tuy nhiên, năm nay, sự gia tăng đột biến ca bệnh dại lại vào những tháng đầu năm. Điều này có thể liên quan trực tiếp đến sự gia tăng các ca bệnh dại trên động vật từ năm 2023 đến nay.

Ở nước ta, nguồn truyền bệnh dại là động vật có vú hoang dã và động vật sống gần người, nhiều nhất là chó, sau đó là mèo. Trong đó, chó là ổ chứa vi rút dại chủ yếu chiếm 96-97%, tiếp đến là mèo chiếm 3-4%, động vật khác (thỏ, chuột, sóc...) chưa phát hiện được.

Theo ông Hoàng Minh Đức, thông thường thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên 1 năm hoặc 2 năm, trung bình là khoảng từ 1-3 tháng. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ và sức đề kháng của cơ thể.

Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn. Thời gian ủ bệnh ngắn nhất được tìm thấy khi vết cắn ở đầu, mặt, tay và đặc biệt là đối với trẻ em.

Các báo cáo gần đây cho thấy, các ca bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10-15 ngày, trong đó, nhiều trường hợp trẻ em dưới 5 tuổi bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.

Các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) khuyến cáo, cần đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng dại cho động vật ít nhất 70% trên tổng đàn trong 2 năm liên tiếp thì mới có hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm bệnh dại sang người.

PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng cho rằng, việc phòng tránh bệnh dại không hề khó nhưng nhiều người lại chủ quan.

“Tiêm phòng dại cho chó, mèo là biện pháp đầu tiên. Khi vật nuôi được tiêm phòng dại thì nguy cơ mắc dại sẽ giảm đi. Thế nhưng, tại nước ta, tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó chưa được cao. Nhiều gia đình nuôi 2-3 con chó, nhưng khi chính quyền vận động đi tiêm phòng dại thì họ chỉ mang 1 con đi tiêm”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Do đó, để phòng tránh bệnh dại, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân cần chấp hành nghiêm quy định tiêm phòng, không để chó, mèo thả rông. Khi đưa chó, mèo ra nơi công cộng, khu dân cư, chung cư phải rọ mõm, có dây xích, có người dắt. Các địa phương phải tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, các địa phương phải bảo đảm đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại. Đặc biệt, tại các khu vực có nguy cơ cao; bố trí mỗi huyện có ít nhất 1 điểm tiêm, ở những nơi địa bàn rộng và địa hình khó khăn xem xét bố trí thêm điểm tiêm phòng.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top