Nhiều nguyên nhân gây vô sinh dễ bị bỏ qua

08:31 - Thứ Hai, 20/05/2024 Lượt xem: 5429 In bài viết

Theo Cục Dân số (Bộ Y tế), ước tính, mỗi năm có hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn (chiếm tỷ lệ khoảng 7,7%). Trong số này, khoảng 50% là cặp vợ chồng ở tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng đến 15-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh. Hầu như các cặp vợ chồng không biết mình bị vô sinh, hiếm muộn cho đến khi không thể mang thai tự nhiên sau một thời gian dài mong con.

Hơn 500 cặp vợ chồng hiếm muộn chúng tôi gặp ở chương trình tổng kết “Tuần lễ vàng 2024 - Thắp sáng ước mơ gia đình hiếm muộn” do Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức vào ngày 19/5 đều có hành trình tìm con đầy gian truân, trắc trở nhiều năm, nhưng kết thúc có hậu. Bế con gái 14 tháng tuổi từ Mai Châu (Hoà Bình) xuống Hà Nội tham dự chương trình, vợ chồng chị Lò Thị Huệ và anh Hà Quang Phục không giấu được nụ cười hạnh phúc sau 8 năm hiếm muộn. 

Chị Cao Thị Hằng chia sẻ hành trình tìm con sau 15 năm hiếm muộn.

“Cuộc sống của vợ chồng em rất khó khăn, em chỉ ở nhà bán tạp hoá, chồng lái xe khách, chi phí cho cả hành trình chữa vô sinh, hiếm muộn kéo dài vài năm hết khoảng 800 triệu, nhưng đối với em, có con thì không có gì đáng sợ nữa”, chị Huệ tâm sự.

Hành trình chữa vô sinh gian nan không kém là vợ chồng chị Cao Thị Hằng (SN 1983) và anh Phùng Văn Dũng (SN 1978), Hà Nội. Vợ chồng họ kết hôn năm 2024, hơn 5 năm sau mới có con đầu lòng nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Nhưng để có đứa con thứ hai, họ phải mất tới gần 15 năm sau. “Làm IVF lần hai, tôi đã 20 lần chuyển phôi đều không thành công mà không tìm ra nguyên nhân. Vợ chồng tôi tưởng chừng phải từ bỏ hành trình này”, chị Hằng tâm sự.

Với tiền sử sản khoa nặng nề, bác sĩ của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn tư vấn anh chị chọc chứng tạo phôi, nuôi và theo dõi phôi bằng hệ thống tự động kết hợp trí tuệ nhân tạo. Điều kỳ diệu đã đến, lần chuyển phôi thứ 21 của chị Hằng đã thành công. 9 tháng sau, chị sinh bé gái khoẻ mạnh, đáng yêu.

Theo ThS.BS Phan Chí Thành, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, các nhiễm trùng lây qua đường tình dục không được chẩn đoán cũng là một trong nhiều nguyên nhân gây vô sinh. Vì vậy, khi bị viêm nhiễm phụ khoa kéo dài mạn tính thì chị em cần đi khám sớm để tìm nguyên nhân và điều trị dứt điểm.

Đặc biệt, hiện nay nhiều phụ nữ trẻ nhưng dự trữ buồng trứng thấp (AMH), là một trong những nguyên nhân gây vô sinh, hiếm muộn. Theo BS Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, qua thăm khám, có phụ nữ 32 tuổi nhưng dự trữ buồng trứng đã về mức 0,01, cơ hội làm mẹ chỉ còn 1%. Dự trữ buồng trứng thấp nếu càng để lâu, chỉ số AMH giảm, dự trữ buồng trứng giảm thì cơ hội có con sẽ khó khăn hơn. Nếu giảm đến mức độ chẩn đoán suy buồng trứng thì cơ hội có thai tự nhiên rất thấp.

Ngoài ra, tỷ lệ mắc nội mạc tử cung ở phụ nữ Việt Nam hiện là gần 10%, tức cứ 10 phụ nữ ở độ tuổi sinh sản sẽ có 1 trường hợp phải chịu đựng căn bệnh này và nhiều người mắc bệnh đến 7-10 năm mới được phát hiện. Theo ước tính, có tới 50% những người bị nội mạc tử cung sẽ gặp khó khăn khi muốn thụ thai.

Nếu như trước đây, nam giới bị vô tinh (không có tinh trùng) hy vọng có con là rất mong manh, thì ngày nay, với sự phát triển của y học sản khoa, rất nhiều trường hợp vô tinh đã có đứa con của mình nhờ phương pháp vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng, mang lại cơ hội làm cha rất lớn.

Hiện nay không có phương pháp hay cách thức nào có thể làm tăng số lượng trứng ở trên buồng trứng. Các chuyên gia luôn khuyến khích các cặp vợ chồng đã và đang mong con lâu ngày có chỉ số dự trữ buồng trứng AMH thấp nên tiến hành thăm khám và điều trị hiếm muộn sớm để có tiên lượng tốt hơn, tăng tỷ lệ thụ tinh trong ống nghiệm thành công.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top