Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm

12:28 - Thứ Ba, 21/05/2024 Lượt xem: 5952 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (21/5), Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm.

Tại hội nghị, các đại biểu nghe báo cáo tình hình ngộ độc thực phẩm 5 tháng đầu năm 2024 và công tác chỉ đạo phòng chống ngộ độc thực phẩm; triển khai các quy định pháp luật về kiểm soát nguyên liệu nông sản có nguồn gốc từ động vật, thực vật sản xuất trong nước và nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2024; báo cáo kết quả thực hiện kiểm soát thực phẩm và nguyên liệu thực phẩm nhập lậu có nguồn gốc động vật, thực vật trong 5 tháng đầu năm 2024. Theo đó, 5 tháng đầu năm 2024, số vụ vi phạm về an toàn thực phẩm giảm, tuy nhiên số vụ mắc tăng hơn 1.000 người so với cùng kỳ năm 2023, trong đó ở khu công nghiệp số người mắc tăng lên 500 người… Các vụ ngộ độc lớn đều đã được điều tra, xác định được nguyên nhân.

Đại diện Sở Y tế các tỉnh: Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Sóc Trăng đã báo cáo tham luận về tình hình hoạt động phòng chống ngộ độc tại địa phương và chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống ngộ độc thực phẩm.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên ghi nhận những kết quả trong công tác an toàn thực phẩm của các địa phương trong 5 tháng đầu năm 2024; đồng thời nêu các nguyên tắc của WHO khuyến cáo về an toàn thực phẩm... Đồng chí Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các địa phương kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và rà soát lại quy chế làm việc Ban Chỉ đạo liên ngành; phân công nhiệm vụ cho từng ngành, thành viên cụ thể; nghiên cứu thực hiện các chỉ đạo của Trung ương; tiếp tục thực hiện quản lý tốt an toàn thực phẩm, không để các cơ sở không đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoạt động; người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm phải được tập huấn về đảm bảo an toàn thực phẩm và khám sức khỏe định kỳ; tăng cường thanh tra, kiểm tra về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vệ sinh môi trường, giấy phép đăng ký kinh doanh tại cơ sở chế biến thực phẩm; xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm; các địa phương kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu đơn vị khi xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm lớn…

Tin, ảnh: Thùy Trang
Bình luận

Tin khác

Back To Top