Ngăn chặn quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, giả mạo

16:06 - Thứ Tư, 29/05/2024 Lượt xem: 5687 In bài viết

Ngày 29-5, tại Hà Nội, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng”.

Tại tọa đàm, Hiệp hội đã công bố bản Quy chế đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-VAFF ngày 10-5-2024 của Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam nhằm góp phần chấn chỉnh hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng.

Theo PGS,TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, thực trạng nhức nhối trong ngành thực phẩm chức năng hiện nay là những quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm; quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm như bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

PGS,TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: NGUYỄN HIỆP 

Hiện tượng sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng không chỉ gây ra hậu quả "tiền mất, tật mang" cho người tiêu dùng mà còn làm giảm giảm uy tín của ngành thực phẩm chức năng, lẫn lộn giữa các doanh nghiệp làm ăn chân chính với doanh nghiệp làm ăn gian dối, đánh đồng sản phẩm thật và sản phẩm giả.

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam ban hành Quy chế đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng. Quy chế gồm 5 chương, 16 điều, chỉ ra cụ thể những hành vi được coi là vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, nêu rõ những chuẩn mực đạo đức trong quảng cáo và biện pháp hạn chế vi phạm đạo đức quảng cáo…

PGS, TS Trần Đáng nhận định: Quy chế đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng không chỉ là “kim chỉ nam”, định hướng cho các hội viên của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam thực hiện quảng cáo có đạo đức, vì lợi ích của người tiêu dùng, vì mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; đồng thời, gợi mở để xã hội, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nhà phát hành quảng cáo và người tiêu dùng nhận biết những quảng cáo chưa đáp ứng chuẩn mực đạo đức để từ đó đấu tranh với những hành vi vi phạm và có biện pháp hạn chế kịp thời.

Quang cảnh tọa đàm về đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng. Ảnh: NGUYỄN HIỆP 

PGS, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhấn mạnh, nguy hại về quảng cáo gian dối trong lĩnh vực y tế không chỉ về tài chính. Người bệnh nan y nếu phát hiện điều trị sớm có thể khỏi, chí ít kéo dài sự sống nhưng thực phẩm chức năng quảng cáo “cam kết chữa khỏi” là vi phạm quy định vì thực phẩm chức năng không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Mua những sản phẩm này về dùng không trị khỏi bệnh sẽ làm lỡ thời gian vàng điều trị.

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đánh giá, trong bản quy tắc đạo đức về quảng cáo thực phẩm chức năng có những khái niệm như: Người phát hành quảng cáo, người phát hành dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Đây là 3 đối tượng có thể tạo ra sự chuyển đổi tích cực.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: NGUYỄN HIỆP 

Trong đó, người phát hành quảng cáo có thể là cơ quan báo chí, dẫn đường link về thông tin sai sự thật. Ngoài ra còn là những trang thông tin không phép, trang chạy quảng cáo, có thể sử dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo nhằm tạo ra những trang quảng cáo thực phẩm chức năng. Nhà phát hành quảng cáo còn có các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Một trong những nguyên nhân của việc bùng nổ các hình thức quảng cáo là do thói quen thích xem nội dung miễn phí của người dân. Nội dung miễn phí chiếm nhiều thời gian và thậm chí gây nghiện.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới nỗ lực kiểm soát quảng cáo, nếu không, các doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ rút tiền không sử dụng nền tảng đó nữa, tức là chặn dòng tiền quảng cáo hợp pháp. Khi đối diện với các doanh nghiệp không hợp pháp, cần tác động tới các công ty kinh doanh quảng cáo. Họ có mối liên kết để nhúng mã vào các trang web. Do đây là pháp nhân nên có thể xử lý bằng cách chặn tên miền quốc tế hoặc xử phạt. Bên cạnh đó, có thể xếp hạng theo chuẩn mực đạo đức trong lĩnh vực quảng cáo để khuyến cáo với người sử dụng dịch vụ...

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top