Không chủ quan với bệnh trầm cảm sau sinh

13:44 - Chủ Nhật, 02/06/2024 Lượt xem: 5309 In bài viết

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một hotgirl nổi tiếng vừa bế con vừa có biểu hiện hoảng loạn: La hét, khóc, tự tát vào mặt mình... sau khi bị gia đình bạn trai bạo hành. Được biết, cô gái này đang điều trị bệnh trầm cảm sau sinh.

Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ cũng như ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần ở trẻ.

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh?

Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ cũng như sự phát triển về thể chất và tinh thần ở trẻ. Trường hợp tình trạng bệnh diễn biến nặng, người phụ nữ sẽ không làm chủ được suy nghĩ và hành động của mình gây ra hành vi bạo lực đối với trẻ ngay sau khi sinh.

Đây cũng là căn bệnh như “giả vờ” nhưng lại là bệnh tâm lý liên quan đến những cảm xúc rất mạnh như buồn, lo lắng, tuyệt vọng, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Trầm cảm sau sinh thường gặp nhất vào thời điểm sau khi sinh em bé khoảng 1 - 3 tuần, nhưng cũng có thể xuất hiện từ sau khi sinh cho tới 1 năm sau sinh.

Trầm cảm sau sinh sẽ khiến nhiều bà mẹ đối diện với tình trạng khủng hoảng tâm lý, thậm chí có ý định tự sát cả mẹ lẫn con. Đầu năm 2023, một sản phụ ở Nam Định tự sát bất thành nhưng làm 2 con gái mình tử vong và một sản phụ ở Phú Thọ nhảy lầu tự sát sau khi sinh con 2 tháng khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.

Bác sĩ Huỳnh Thị Hiên, khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết, trầm cảm sau sinh có thể xuất hiện do sự kết hợp của nhiều nguyên nhân như thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể. Trong những giờ đầu sau sinh, nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể giảm mạnh, từ đó có thể kéo theo trạng thái trầm cảm. Điều này tương tự như việc căng thẳng và thay đổi tâm trạng do nồng độ hormone thay đổi nhẹ trước mỗi chu kỳ kinh nguyệt.

Bệnh nhân có thể có tiền sử mắc bệnh trầm cảm trước hoặc trong khi mang thai. Những người đang điều trị trầm cảm có nguy cơ mắc chứng trầm cảm sau sinh cao hơn so với người bình thường. Ngoài ra, khi mang thai không theo kế hoạch hay ngoài ý muốn có thể làm ảnh hưởng đến cảm xúc của người mẹ trong thai kỳ. Những cảm xúc làm ảnh hưởng đến sự tự tin và gây áp lực lên người mẹ cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây nên chứng trầm cảm.

Một nguyên nhân quan trọng khác là phụ nữ sau sinh thiếu sự giúp đỡ của người thân. Như trong trường hợp của hotgirl nổi tiếng nói trên, cô gái làm mẹ khi còn khá trẻ, sau khi sinh, cô và bạn trai sống chung nhưng chưa tổ chức đám cưới, lại phải chịu cảnh bị mẹ và bạn trai “tác động vật lý” vì những chuyện nhỏ nhặt trong sinh hoạt gia đình.

Trước đó, sau khi sinh con xong vài tháng, cô cũng có biểu hiện muốn bế con đi và uống thuốc trừ sâu tự tử nhưng bạn trai đã phát hiện và ngăn cản kịp thời. Cô cũng đã vào bệnh viện điều trị căn bệnh trầm cảm, tuy nhiên đây là căn bệnh rất cần sự đồng hành, hỗ trợ thông cảm từ phía gia đình. Thay vì sự cảm thông, nếu bệnh nhân lại rơi vào cảnh bị bạo hành gia đình, bệnh càng thêm trầm trọng.

Phát hiện muộn, hậu quả càng nghiêm trọng

Bác sĩ Huỳnh Thị Hiên cho biết, có thể sử dụng thuốc chống trầm cảm để điều trị trầm cảm sau sinh, thường kết hợp với liệu pháp điều trị tư vấn. Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ dùng thuốc chống trầm cảm sau sinh khi có chỉ định của bác sĩ. Thuốc chống trầm cảm, gồm nhiều loại, đôi khi được sử dụng kết hợp nhằm tối ưu hóa hiệu quả. Đây là những loại thuốc có tác dụng cân bằng các chất hóa học có nhiệm vụ điều khiển tâm trạng trong não.

Hầu hết tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm chỉ là tạm thời và sẽ mất đi sau một thời gian ngắn. Trong trường hợp nặng hoặc bất thường, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ. Nếu bệnh nhân mắc trầm cảm sau sinh đang nuôi con bằng sữa mẹ thì cần tham khảo bác sĩ điều trị bởi thuốc chống trầm cảm có thể hấp thụ vào em bé với nồng độ thấp.

Cùng với phương pháp dùng thuốc, bệnh nhân có thể trải qua các buổi điều trị tư vấn (còn gọi là tâm lý trị liệu), người bệnh sẽ trò chuyện và thảo luận cùng bác sĩ trị liệu về những cảm xúc và cách điều khiển cảm xúc.

Trầm cảm sau sinh được phát hiện càng muộn, hậu quả càng nghiêm trọng. Do đó, nhu cầu được hỗ trợ, giúp đỡ và quan tâm của bà mẹ mới sinh, đặc biệt khi sinh con đầu lòng rất cao. Bên cạnh trách nhiệm rất quan trọng của người chồng, gia đình, người thân xung quanh, bệnh nhân còn cần sự hỗ trợ của bác sĩ điều trị, các tổ chức xã hội.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top