Dị ứng thực phẩm là một phản ứng miễn dịch quá mức của cơ thể với các thành phần “lạ” có trong thực phẩm, phản ứng này có thể xảy ra ở người lớn cũng như trẻ nhỏ.
Song, không ít người chủ quan với tình trạng dị ứng này mà không biết rằng một số trường hợp dị ứng thực phẩm có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Dị ứng thực phẩm là tình trạng phản ứng của hệ miễn dịch với một loại thức ăn nào đó khi đưa vào cơ thể.
Những biểu hiện nguy hiểm khi dị ứng thức ăn
Thành phần chủ đạo gây ra dị ứng thức ăn, thậm chí dẫn đến tình trạng sốc phản vệ, là các chất protein trong thực phẩm. Đây là những protein không dễ bị phân hủy và không dễ dàng bị biến tính bởi nhiệt độ.
Các phân tử protein này kết hợp với các globulin miễn dịch E (IgE) trong dịch tiết, trong máu... làm vỡ một số lượng những tế bào dưỡng bào, giải phóng ra một nồng độ cao các chất trung gian hóa học. Những chất trung gian này gây ra những biến đổi cơ thể: Giãn mạch khiến sung huyết, phù nề, tiết dịch, nổi mẩn, nổi ban, co thắt cơ trơn khiến đau bụng, buồn nôn, khó thở, kích thích khiến gây ngứa dữ dội...
Tùy cơ địa của mỗi người và cơ chế của dị ứng (dị ứng tức thì hay dị ứng muộn) mà khi bị dị ứng với thức ăn, một số người có thể xuất hiện những biểu hiện khác như viêm da, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, ho, mất ngủ, mệt mỏi...
Bác sĩ Chuyên khoa I Dương Ngọc Vân, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết: “Đáng lo ngại, vì những biểu hiện dị ứng này cũng giống với những bệnh khác nên đôi khi bị lơ là, bỏ qua. Nhiều người cũng thường chủ quan với căn bệnh dị ứng, cho rằng bệnh chỉ gây mẩn ngứa ngoài da hoặc có thể tự ý dùng thuốc để ngăn ngừa các biểu hiện dị ứng”.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các bác sĩ, trong mọi trường hợp, tuyệt đối người dân không tự ý dùng thuốc để chữa dị ứng thực phẩm nếu chưa tham khảo ý kiến bác sĩ, chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ thăm khám.
Các triệu chứng của tình trạng dị ứng xuất hiện từ nhẹ đến nặng và có thể diễn biến rất nhanh. Triệu chứng nặng nhất chính là sốc phản vệ, nếu không được xử trí kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy khi cơ thể xuất hiện những thay đổi bất thường sau khi tiếp xúc với một tác nhân lạ cần đến trung tâm y tế để được thăm khám và điều trị sớm, tránh để tình trạng bệnh nặng dẫn đến sốc phản vệ, nguy hiểm tới tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Một số triệu chứng của sốc phản vệ cần được cấp cứu ngay bao gồm: Người bệnh xuất hiện tình trạng khó thở hoặc thở khó chịu; đau ngực hoặc tức; huyết áp thấp; mạch yếu và nhanh, chóng mặt; người bệnh lú lẫn, lơ mơ... Lúc đó, người bệnh cần được điều trị trong vòng 30 - 60 phút vì các triệu chứng đôi khi có thể gây tử vong.
Mức độ nặng nhẹ của sốc phản vệ phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của từng cơ thể, số lượng, tốc độ hấp thụ các chất lạ vào cơ thể và phụ thuộc vào thời gian xử lý điều trị. Do đó, chúng ta cần lưu ý những dấu hiệu sớm để cấp cứu điều trị kịp thời.
Phòng tránh dị ứng thực phẩm
Bên cạnh đó, để phòng tránh nguy cơ dị ứng thực phẩm, theo Bác sĩ Chuyên khoa I Dương Ngọc Vân, với trẻ em - đối tượng bị dị ứng thức ăn cao hơn người lớn - nên ba mẹ cần cẩn thận, kỹ lưỡng trong khâu chọn và chế biến thức ăn. Đồng thời, dụng cụ ăn uống của các bé cũng được vệ sinh tỉ mỉ, phòng tránh chất dị ứng dính vào chén, dĩa, muỗng, đũa... và gây dị ứng cho bé.
Đối với người lớn, nên tìm hiểu từng loại thực phẩm, nếu nghi ngờ thực phẩm đó có thể gây dị ứng thì hạn chế sử dụng. Còn những loại thực phẩm đã từng gây dị ứng thì tốt nhất không dùng.
Khi sử dụng thực phẩm đóng hộp, chúng ta nên xem thành phần bao gồm những gì, đảm bảo không chứa những chất có thể gây dị ứng. Bên cạnh đó, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm hết hạn, bởi chúng không chỉ gây dị ứng mà còn có nguy cơ gây ngộ độc.
Khi xuất hiện các biểu hiện, triệu chứng như đã nói (ngứa, phát ban, khó thở, đau bụng, đi ngoài...) sau khi ăn, đặc biệt là ăn thức ăn lạ thì cần đi khám ngay để xác định nguyên nhân và cách điều trị.
Để có thể biết mình bị dị ứng cụ thể với các loại thực phẩm nào, chúng ta có thể thực hiện các phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán dị ứng tại các cơ sở y tế.