Lo ngại khi người nhiễm HIV/AIDS có xu hướng trẻ hóa

07:08 - Chủ Nhật, 16/06/2024 Lượt xem: 5502 In bài viết

Tại một số địa phương, người nhiễm HIV/AIDS đang trẻ hóa, nhiều trẻ em mới 14 tuổi đã nhiễm HIV. Trong số các ca nhiễm mới, lứa tuổi 15-25 tăng nhanh và chủ yếu lây qua đường tình dục. Thực tế này đặt ra những yêu cầu mới trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Nguy cơ lây nhiễm từ nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới

Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động trong phòng, chống HIV/AIDS để hướng tới chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dựa trên phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đang trong giai đoạn dịch tập trung ở các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam đang tập trung vào hai hướng để giảm thiểu HIV/AIDS là tạo hàng rào bảo vệ K=K (không phát hiện = không lây truyền virus HIV) và ngăn chặn lây lan HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Tuy nhiên, công tác này đang gặp nhiều khó khăn về nguồn lực. Bên cạnh đó, HIV/AIDS đang có diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng nhiễm nhiều nhất ở nhóm thanh, thiếu niên, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, bởi quần thể này ẩn và rất khó tiếp cận.

Ảnh minh họa: vtv.vn 

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Tháp, những năm gần đây, chiều hướng dịch HIV/AIDS tại tỉnh tập trung vào nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới và bạn tình của họ với giới tính chủ yếu là nam.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quý, Phó trưởng khoa HIV, CDC tỉnh Đồng Tháp cho biết, tại Đồng Tháp, tỷ lệ nhiễm HIV theo nhóm tuổi tập trung khoảng gần 70% ở nhóm tuổi 25-49. Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV có xu hướng tăng lên ở nhóm tuổi 15-25 (tăng từ 15,8% vào năm 2011 đến hiện tại là 33,3%).

Hiện tỷ lệ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục chiếm 98%. Bà Hà Thị Thùy Trang, cán bộ phụ trách chương trình HIV Trung tâm Y tế huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, tại huyện Tam Nông, tình trạng nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có chiều hướng gia tăng mạnh, chiếm tới 50% số ca phát hiện mới những năm gần đây.

Dữ liệu giám sát phát hiện giai đoạn 2000-2023 tại tỉnh An Giang cho thấy, dịch HIV cũng đang có xu hướng tăng trở lại và tăng nhanh trong nhóm nam giới trẻ tuổi từ 15 đến 30. CDC tỉnh An Giang cũng cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV khó kiểm soát trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới do các yếu tố liên quan, như: Sự di biến động, hành vi quan hệ tình dục không an toàn và thiếu các biện pháp can thiệp hiệu quả...

Bác sĩ Dương Anh Linh, Phó giám đốc CDC tỉnh An Giang cho biết, một trong những nguyên nhân nguy cơ lây lan nhanh trong nhóm nam quan hệ đồng giới trẻ tuổi tại tỉnh là do sự kỳ thị và tự kỳ thị vì nhiễm HIV khiến họ hạn chế tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, nhất là thuốc chống lây nhiễm HIV (PrEP).

Chống kỳ thị để giảm việc lây nhiễm mất kiểm soát

 Để có thể khống chế dịch HIV/AIDS trên địa bàn, các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả. Bác sĩ Võ Công Đoàn, Phó giám đốc CDC tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, thời gian trước, số trường hợp nhiễm HIV tại tỉnh dao động không quá 500 trường hợp. Từ năm 2023, được sự hỗ trợ từ các nguồn tài trợ, địa phương đã đẩy mạnh tư vấn, xét nghiệm HIV tại các cơ sở y tế tư nhân, trạm y tế xã, phường, thị trấn, xét nghiệm ngoài cộng đồng thông qua các đợt giám sát trọng điểm, xét nghiệm lưu động và xét nghiệm không chuyên...

Nhờ đó, số ca nhiễm phát hiện mới tăng lên và được đưa vào điều trị trong ngày. Việc xác định ca nhiễm mới rất quan trọng, vì những ca này có tỷ lệ lây nhiễm rất cao. Đồng Tháp hiện đang có 12 phòng khám sàng lọc, trong đó có 2 phòng khám công lập và 10 cơ sở tư nhân; có 7 cơ sở y tế xét nghiệm khẳng định HIV. Hầu hết những người quan hệ đồng tính có nguy cơ đang điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân, vì họ có thể đi khám ngoài giờ và không phải lo sợ gặp người quen.

Bác sĩ Võ Công Đoàn thông tin, sự tham gia của y tế tư nhân trong phòng, chống HIV/AIDS mang lại hiệu quả cao và đang được triển khai ở Đồng Tháp. Mô hình này được vận dụng chính từ mục tiêu đặt ra là đến năm 2030 khống chế được HIV/AIDS, trong bối cảnh nhiễm HIV ở Đồng Tháp còn cao. CDC tỉnh Đồng Tháp đã tập huấn để các cơ sở này làm xét nghiệm trong cộng đồng và tổ chức nhiều phòng khám. Nếu dương tính, các cơ sở y tế tư nhân sẽ hướng dẫn người mắc HIV đến một trong 7 cơ sở nhà nước để xét nghiệm khẳng định.

Tại tỉnh An Giang, lãnh đạo CDC tỉnh đánh giá rất cao hiệu quả hoạt động của Mạng lưới cộng đồng LGBT (những người có giới tính đặc biệt) của tỉnh. Trao đổi với chúng tôi, Trương Hoàng Bảo Ngọc, Trưởng ban điều hành Mạng lưới cộng đồng LGBT An Giang-nhóm hỗ trợ cộng đồng về phòng, chống HIV ở An Giang, chia sẻ: “Đây có lẽ là văn phòng đầu tiên tại Việt Nam trưng biển công khai tư vấn, hỗ trợ cộng đồng LGBT.

Với nỗ lực tự khẳng định của từng thành viên, gia đình nhiều bạn LGBT đã không chỉ thông cảm mà còn tham gia và hỗ trợ cho hoạt động của mạng lưới. Mặt khác, các bạn LGBT hay bỏ học sớm do bị kỳ thị nên mạng lưới thường tổ chức hướng nghiệp cho các bạn trẻ. Hiện mạng lưới đã hỗ trợ được gần 100 người”. Hằng tháng, mạng lưới tổ chức trao đổi chủ đề về phòng, chống HIV/AIDS, mời đại diện CDC tỉnh An Giang hay Trung tâm y tế TP Long Xuyên, những người có chuyên môn đến chia sẻ kiến thức về y tế. Vì thế, nhóm LGBT đều có kiến thức tốt để tránh lây nhiễm HIV.

Từ tháng 8-2023, với sự hỗ trợ từ Phòng khám Đa khoa Mỹ Thạnh (TP Long Xuyên), Mạng lưới cộng đồng LGBT An Giang đã có một văn phòng đại diện làm địa chỉ hỗ trợ, tư vấn các vấn đề về sức khỏe cho người LGBT. Tuy nhiên, Trương Hoàng Bảo Ngọc cũng chia sẻ, mạng lưới vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động tư vấn, vì không có tư cách pháp nhân, không kết nối được với các doanh nghiệp xã hội và rất khó để truyền thông về cách sử dụng thuốc PrEP dự phòng HIV ở các khu công nghiệp, vùng sâu, biên giới.

Theo QĐND
Bình luận
Back To Top