Nướng thực phẩm bằng cồn y tế nguy hiểm ra sao? Người dân Việt Nam thường có thói quen nướng mực, cá khô... bằng cồn y tế vì sự tiện lợi.
Tuy nhiên, việc nướng thực phẩm bằng cồn tiềm ẩn nguy cơ gây bỏng, nguy hiểm đối với sức khỏe.
Nướng thực phẩm bằng nồi chiên không dầu an toàn hơn cho người sử dụng.
Thực phẩm nướng bằng cồn y tế có đảm bảo an toàn?
Thực phẩm khô, đặc biệt là các loại hải sản khô như mực, cá chỉ vàng, cá bò... là món ăn được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên do vận chuyển xa hoặc để lâu ngày, các loại hải sản khô thường được bảo quản lạnh nên dễ bị hút nước, hút ẩm, nếu không biết cách nướng dễ bị khô xác, kém vị. Nhiều người truyền tai nhau rằng các món thực phẩm khô nướng qua lửa sẽ thơm ngon hơn so với nướng bằng lò vi sóng hay nồi chiên không dầu.
Tuy nhiên, ở thành phố không phải gia đình nào cũng có sẵn than củi nên nhiều người vẫn có thói quen nướng mực, cá khô bằng các loại cồn y tế. Việc nướng bằng cồn cũng rất tiện lợi hợp với những chuyến dã ngoại ngoài trời, cắm trại... Nhiều người còn cho rằng cồn y tế được dùng để sát khuẩn nên nướng bằng cồn là đảm bảo an toàn thực phẩm.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm cho biết, thói quen dùng cồn để nướng thực phẩm khô của đại đa số người dân có thể bắt nguồn từ suy nghĩ nướng bằng cồn ngon hơn và không độc so với nướng bằng bếp than, bếp gas hay lò vi sóng. Tuy nhiên, khi nướng cồn, một sai lầm mà không ít người mắc phải là rưới cồn trực tiếp lên thực phẩm rồi đốt hoặc cho cá, mực khô... vào thẳng chảo cồn đang cháy. Cồn với nồng độ ethanol 90%, còn lại 10% là nước và phụ gia khác nên dễ bị ngấm ngược vào thực phẩm. Người sành ăn sẽ cảm nhận mực hay cá khô nướng cồn theo cách kể trên hơi có vị đắng.
Cồn ethanol là loại cồn dùng trong y tế nên không gây hại cho người sử dụng. Ethanol cũng không độc hại như các loại hóa chất khác. Tuy nhiên, nếu chúng ta mua phải loại cồn rẻ tiền không đảm bảo chất lượng thì có thể gây ra ngộ độc, gây tác hại khó lường cho sức khỏe. Cồn y tế cũng chia ra 2 loại: Cồn 70 độ và cồn 90 độ. Một số loại cồn 70 độ có chứa chất methylen, nếu ám vào thực phẩm sẽ không tốt cho người dùng.
Nguy cơ gây bỏng cồn
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ghi lại tai nạn khá thương tâm có nguyên nhân từ việc nướng mực bằng cồn. Trong quá trình nướng, người đàn ông trong clip một tay cầm mực còn tay kia đổ cồn vào chảo, bất ngờ ngọn lửa bùng mạnh và lan sang bé gái ngồi cách đó không xa. Trong giây lát ngọn lửa quấn quanh người bé gái khiến bé hoảng loạn. Những người ở quanh đó vội tìm cách dập lửa, sơ cứu nạn nhân.
Hằng năm, các bệnh viện đều tiếp nhận rất nhiều ca tai nạn bỏng do nướng các loại thực phẩm khô bằng cồn y tế. Bác sĩ Nguyễn Nam Giang, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết: “Các ca bỏng cồn mà bệnh viện tiếp nhận đa số đều sử dụng loại cồn 90 độ đóng chai. Các loại cồn khô, cồn thạch nấu bằng bếp cháy không mạnh, không bị bùng lên nên hiếm khi gây tai nạn bỏng. Đặc thù của bệnh nhân bị bỏng cồn là thường bỏng ở những vùng nhạy cảm như ngực, chân, tay và mặt. Đây là những vị trí ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ sau này".
Việc điều trị cho bệnh nhân bị bỏng do cồn cũng rất phức tạp, phác đồ điều trị phụ thuộc vào diện tích và độ sâu của tổn thương bỏng. Trong trường hợp bỏng sâu, phải tiến hành mổ cắt hoại tử và ghép da, thời gian điều trị có thể kéo dài vài tháng và ảnh hưởng đến thẩm mỹ sau này của bệnh nhân. Bệnh nhân bỏng lửa cồn có thể bị nhiễm độc, bỏng hô hấp gây nguy hiểm tới tính mạng.
Bác sĩ lưu ý người dân nên bỏ thói quen sử dụng cồn y tế để nướng thực phẩm khô bởi quá nguy hiểm. Quá trình chế biến chỉ sơ suất trong phút chốc có thể khiến bản thân và những người xung quanh bị bỏng cồn nguy hiểm. Trong khi đó, việc nướng các loại thực phẩm khô với lò vi sóng, nồi chiên không dầu an toàn hơn và vẫn đảm bảo hương vị thơm ngon của món ăn này.