Bệnh viêm màng não mô cầu không thể chủ quan

09:43 - Thứ Ba, 02/07/2024 Lượt xem: 5116 In bài viết

Tại Việt Nam, viêm màng não mô cầu được xếp là một trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất với hàng chục ca mắc bệnh được ghi nhận mỗi năm. Bệnh viêm màng não mô cầu xuất hiện quanh năm, gặp ở mọi lứa tuổi, có thể bùng phát thành dịch ở những nơi tập trung đông người.

Gia tăng người mắc viêm màng não

Thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết, thời gian qua, Khoa Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện liên tiếp tiếp nhận, khám và điều trị cho nhiều trường hợp trẻ nhỏ mắc viêm màng não. Chỉ tính riêng tuần đầu của tháng 6-2024, tỷ lệ bệnh nhi nhập viện vì mắc bệnh này tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Hai bố con mắc bệnh viêm màng não mô cầu đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: ĐẶNG THANH 

Điển hình là trường hợp bệnh nhi nam 6 tuổi (trú tại Phú Thọ) được đưa vào Bệnh viện khám khi đã sốt 5 ngày tại nhà. Ngoài sốt, bé còn đau đầu, nôn ói, mệt mỏi. Bệnh nhi được chọc dịch não tủy và làm các xét nghiệm chẩn đoán, kết quả khẳng định bị viêm màng não nhiễm khuẩn. Sau 5 ngày điều trị tích cực theo phác đồ điều trị viêm não-màng não, các triệu chứng của bé đã thuyên giảm đáng kể.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương mới đây cũng tiếp nhận điều trị cho hai bệnh nhân là bố và con đến từ Bắc Kạn nghi viêm màng não mô cầu-nhiễm khuẩn huyết. Sau khi điều trị kháng sinh thích hợp, hai bệnh nhân tạm thời ổn định, tỉnh táo, ăn được và tiếp tục được theo dõi, điều trị. Trước đó, vợ và con gái của bệnh nhân đã tử vong với những triệu chứng giống nhau. 

Bác sĩ Trần Quang Đại, Phòng Tiêm chủng vaccine (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết: Bệnh viêm màng não mô cầu không phải là bệnh hiếm gặp nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng. Viêm màng não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính thường khó chẩn đoán sớm và tiến triển nhanh. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp. Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện đột ngột. Đối với những ca không điển hình thường có biểu hiện như sốt, buồn nôn hoặc nôn, chán ăn, đau họng; đối với ca đặc trưng thường xuất hiện phát ban xuất huyết, cứng cổ, sợ ánh sáng.

Đối với những bệnh nhân được phát hiện muộn, khi đưa đến bệnh viện thường đã rơi vào tình trạng hôn mê, co giật, mất ý thức, có thể tử vong. Theo các chuyên gia dịch tễ, bệnh viêm màng não mô cầu có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời, đúng phác đồ. Để phòng bệnh, người dân cần thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, nơi ở, đeo khẩu trang khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh, dự phòng bằng thuốc và tiêm vaccine để phòng bệnh.

Bác sĩ Phùng Thị Phương Ngọc, Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ) chia sẻ: Các triệu chứng lâm sàng ban đầu của bệnh viêm màng não rất dễ nhầm với các bệnh lý khác nên phụ huynh, người chăm sóc trẻ thường chủ quan, bỏ qua các triệu chứng cảnh báo này, khi trẻ được đưa tới bệnh viện đã ở tình trạng nặng.

Việc phát hiện sớm có ý nghĩa rất quan trọng trong điều trị bệnh lý viêm màng não. Do đó, ngay khi thấy trẻ có các triệu chứng như sốt, đau đầu, mệt mỏi, nôn trớ, cứng gáy, ù tai, sợ ánh sáng... cần nghĩ ngay tới bệnh viêm màng não và cho trẻ đi thăm khám kịp thời. Nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng muộn, điển hình như co giật, hôn mê... thì não đã bị ảnh hưởng, có thể để lại nhiều di chứng nặng nề, thậm chí tử vong.

Phòng bệnh hiệu quả từ tiêm phòng sớm

Để phòng bệnh viêm màng não, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng vaccine đủ và đúng lịch. Ngoài ra, cần vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, cho trẻ ăn chín, uống sôi, thường xuyên vệ sinh tay chân và cơ thể; mang khẩu trang khi đi ra ngoài. Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng bất thường về sức khỏe (nhất là trong thời gian giao mùa) cần đưa trẻ tới thăm khám tại bệnh viện kịp thời, tránh để xảy ra các tình huống đáng tiếc.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết: Viêm màng não mô cầu có thể gây tử vong nhanh chỉ trong 24 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng đầu tiên và 50% tử vong nếu không được điều trị.

Theo thống kê, cứ 2 trong 10 người mắc bệnh sống sót thì sẽ gặp nhiều di chứng về thể chất và tinh thần, như: Sẹo sau hoại tử da, mù, điếc, suy giảm trí tuệ suốt đời... Hiện có 13 nhóm huyết thanh não mô cầu gây bệnh, trong đó có 6 nhóm huyết thanh thường gặp, nguy hiểm nhất là A, B, C, Y, W-135, X. Tại Việt Nam, đã có vaccine phòng ngừa cho 5 nhóm huyết thanh não mô cầu gây bệnh là A, B, C, Y, W-135. Bác sĩ Bạch Thị Chính cũng lưu ý, các vaccine phòng viêm màng não mô cầu không có miễn dịch phòng ngừa chéo nên trẻ em và người lớn cần tiêm sớm, đầy đủ các vaccine phòng 5 nhóm huyết thanh gây bệnh kể trên, không nên trì hoãn hoặc chỉ tiêm một loại.

Hệ thống tiêm chủng VNVC cùng Tập đoàn dược phẩm GSK (Anh) đã chính thức ra mắt và triển khai tiêm vaccine thế hệ mới phòng viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu nhóm B (Neisseria meningitidis B) gây ra. Bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Cung ứng của Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, hiện vaccine này đã được triển khai tiêm trên toàn hệ thống và được chỉ định tiêm cho trẻ em từ 2 tháng tuổi, người lớn đến 50 tuổi. Vaccine này đã được phê duyệt tại 52 quốc gia, trong đó 14 nước đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia như Anh, Italy, Bồ Đào Nha...

Bà Elena De Angelis, Giám đốc Y khoa Quốc gia (Công ty GSK Việt Nam) cho biết, loại vaccine mới này được đưa vào sử dụng tại Việt Nam với kỳ vọng giảm tác động nguy hiểm của bệnh viêm màng não mô cầu, đặt mục tiêu bảo vệ hơn một triệu trẻ sơ sinh Việt Nam khỏi căn bệnh này bằng vaccine trong 5 năm tới. Tiêm phòng sớm sẽ ngăn ngừa và giảm tác hại của bệnh viêm màng não mô cầu. Bởi chi phí điều trị một ca bệnh do não mô cầu rất tốn kém, có thể lên đến hàng tỷ đồng; phải sử dụng nhiều thiết bị, nhân lực, chưa kể gánh nặng chăm sóc về sau cho người bệnh tàn tật. 

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top