ĐBP - Căng thẳng học tập, môi trường học đường bất ổn, sự thay đổi tâm lý, ảnh hưởng do hoàn cảnh gia đình, tác động bởi những mặt xấu của mạng xã hội…. Nhiều nguyên nhân được đưa ra liên quan đến thực trạng vài năm trở lại đây, tỷ lệ trẻ vị thành niên đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh vì rối loạn tâm thần tăng hơn trước.
Em T. K. H. 14 tuổi, trú tại phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) được gia đình đưa đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh để bác sĩ khám và tư vấn điều trị tâm lý. Theo chia sẻ của gia đình, khác với hình ảnh hoạt bát, vui tươi, tràn đầy sức sống khi trước, thời gian gần đây H. thường ngồi lặng lẽ một mình, ít giao tiếp với bạn bè, cũng ít trò chuyện cùng bố mẹ. Dù bản thân luôn cố gắng học tập nhưng khi kết quả đạt như mong muốn, H. vẫn không vui. Cảm nhận những khác biệt của con nhưng bố mẹ H. chỉ nghĩ con đang trong giai đoạn dậy thì, tính khí thay đổi. Đến khi những biểu hiện cáu giận, bức xúc, chán nản và luôn cảm thấy mệt mỏi của H. rõ nét hơn, gia đình mới vội vàng đưa con đến bệnh viện khám. Sau khi nghe bác sĩ tư vấn, gia đình H. biết con mình mắc “tâm bệnh”.
Sau H. không lâu, các bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh tiếp nhận thêm trường hợp của em Đ. T. T., cũng 14 tuổi, trú tại phường Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ). Đây là trường hợp được chẩn đoán mắc rối loạn cảm xúc, khí sắc khác. Với nhiều biểu hiện như buồn bã, ngồi một chỗ, ngại giao tiếp, khó kiểm soát cảm xúc, hành vi và dễ có phản ứng thái quá với mọi người xung quanh. Sau đó, gia đình phát hiện T. tự dùng các phương tiện để làm tổn thương bản thân và ngay lập tức đưa đến bệnh viện để được hỗ trợ kịp thời. Sau khi được khám sức khỏe tâm thần và các bác sĩ hướng dẫn các biện pháp can thiệp, điều trị. Đến nay, T. đã bình ổn về tâm lý và tiếp tục đi học bình thường. Gia đình cũng phối hợp cho T. duy trì uống thuốc tại nhà để tình trạng T. được cải thiện.
Hiện tại, Khoa Điều trị bệnh nhân, điều trị tâm căn và phục hồi chức năng (Bệnh viện Tâm thần tỉnh) đang điều trị cho bé M. A., 10 tuổi, trú tại phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ). Bé M. A. được chẩn đoán rối loạn tăng động, giảm chú ý. M. A. không có khả năng tập trung ở bất kỳ hoạt động nào, thường quên mọi thứ, khó kết bạn, không thể đứng yên một chỗ quá vài giây…, làm ảnh hưởng đến khả năng học tập và giao tiếp. Nhận thấy sự khác biệt trong hành vi của con, gia đình đã đưa M. A. vào viện điều trị can thiệp. Thời gian trong viện, M. A. được học cách điều chỉnh hành vi, giảm rắc rối trong học tập, các mối quan hệ xã hội; tránh hành vi gây nguy hiểm cho mình và người xung quanh.
Theo bác sĩ Lương Văn Sáng, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh: Tuổi vị thành niên là giai đoạn trẻ em nhận thức sự thay đổi về sinh lý và tâm lý. Trẻ nhận biết các thay đổi của vẻ bề ngoài, phát triển cách giao tiếp với xã hội, phát triển cảm xúc cá nhân. Rối loạn tâm thần ở vị thành niên phần lớn có liên quan đến yếu tố tâm lý xã hội xuất phát từ môi trường sống của gia đình, trường học và xã hội. Các yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng tâm lý trẻ được nói đến như sự cô lập về cảm xúc khiến thanh thiếu niên lựa chọn không chia sẻ với ai; sử dụng quá nhiều internet; gia đình quá nghiêm khắc, kỳ vọng cao của cha mẹ; áp lực học tập; chất lượng cuộc sống gia đình và chất lượng các mối quan hệ với bạn bè đồng trang lứa… Không được hỗ trợ giải quyết các tình trạng sức khỏe tâm thần ở tuổi vị thành niên có thể gây kéo dài bệnh tâm lý đến tuổi trưởng thành, làm suy giảm cả sức khỏe thể chất và tinh thần của cá nhân. Trẻ sẽ bị mất đi cơ hội có được cuộc sống viên mãn khi trưởng thành.
Để phòng ngừa rối loạn tâm thần vị thành niên đòi hỏi phải có sự quan tâm của toàn xã hội với sự kết hợp của nhiều ngành có liên quan nhằm hạn chế những yếu tố nguy hại được hình thành từ trong cả 3 loại môi trường gia đình, trường học và xã hội. Nhất là tại mỗi gia đình, cần phải có sự quan tâm đánh giá thay đổi về mặt tính cách trẻ qua các giai đoạn theo các lứa tuổi. Bố mẹ cần dành thời gian hỗ trợ, quan tâm và lắng nghe quan điểm của trẻ, chủ động cùng trẻ giải quyết mâu thuẫn, tránh thảo luận khi nóng giận và không giành quyền kiểm soát. Đồng thời, khuyến khích trẻ duy trì thói quen lành mạnh, chăm sóc sức khỏe, tập thể dục thường xuyên, khuyến khích trẻ phát triển các kỹ năng giải quyết tình huống, phát triển kỹ năng giao tiếp và học cách quản lý cảm xúc. Bên cạnh đó, bản thân thanh thiếu niên cần được học các kỹ năng sống để biết cách giải quyết những vấn đề cá nhân. Bố mẹ và nhà trường cũng cần có những hiểu biết nhất định về sức khỏe tâm thần tuổi vị thành niên để đồng hành và hỗ trợ các em kịp thời và phù hợp nhất.