Kỹ năng phòng tránh ngộ độc thực phẩm

10:26 - Thứ Ba, 16/07/2024 Lượt xem: 4372 In bài viết

Thời tiết nắng nóng, mưa nhiều như hiện nay tạo thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, kéo theo nguy cơ dẫn tới các vụ ngộ độc.

Do vậy, việc biết cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm là một kỹ năng quan trọng mà mọi người nên nắm vững.

Nhân viên Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội xét nghiệm nhanh chất lượng thực phẩm ở một siêu thị tại quận Đống Đa. Ảnh: Thu Trang

Nguyên nhân gây ngộ độc nhiều nhất

Mỗi năm, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) chẩn đoán và điều trị khoảng 4.000 bệnh nhân ngộ độc, trong đó ngộ độc thực phẩm chiếm khoảng 10-20%.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, hiện có 3 nhóm nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm. Thứ nhất là thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật và các độc tố của vi sinh vật. Thứ hai là thực phẩm bị nhiễm các hóa chất do nuôi trồng, bảo quản, chế biến như hóa chất bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản… Thứ ba là tự bản thân thực phẩm có độc tố (chất độc tự nhiên) như cá nóc, nấm…

“Trong 3 nhóm nguyên nhân gây ngộ độc, nhóm thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật là nguyên nhân gây ngộ độc nhiều nhất. Tác nhân là do việc chế biến, sử dụng thực phẩm mất vệ sinh hoặc thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn ngay từ khâu sản xuất, phân phối và đến khâu chế biến. Mặt khác, do đun nấu thực phẩm không bảo đảm chín kỹ, diệt được vi khuẩn hoặc do nhiễm khuẩn chéo từ người chế biến hoặc các vật dụng, bề mặt, dụng cụ chế biến… Trong nhóm này phổ biến nhất vẫn là các vi khuẩn gây bệnh qua đường tiêu hóa, như: E.coli, Salmonella, lỵ, tả…”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên phân tích.

Theo thống kê ở các nước phát triển, mặc dù tỷ lệ tử vong của nhóm nguyên nhân gây ngộ độc do thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật chỉ chiếm khoảng 1%, nhưng mỗi vụ việc lại ảnh hưởng tới sức khỏe của hàng trăm người. Ở nước ta, những năm gần đây, nhóm nguyên nhân gây ngộ độc này bùng lên nhiều do thực trạng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, an toàn. Cùng với đó là yếu tố thương mại, thị trường, sử dụng sản phẩm, dịch vụ cung ứng thực phẩm chưa được kiểm soát tốt nên thường xảy ra các vụ ngộ độc tập thể…

Thực tế cho thấy, khi kinh tế khó khăn, người tiêu dùng có xu hướng mua thực phẩm rẻ và hài lòng với thực phẩm trôi nổi, khó kiểm soát về chất lượng… Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, người bán cũng sẽ tìm cách giảm chi phí để cung cấp những thực phẩm rẻ, không bảo đảm an toàn. Không chỉ vậy, nhiều người sơ chế, nấu nướng, bảo quản thực phẩm chưa đúng, thức ăn để bên ngoài không khí nóng quá lâu, không thực hiện ăn chín, uống sôi. Điều này khiến thực phẩm dễ nhiễm vi khuẩn, dẫn đến nguy cơ ngộ độc càng lớn. Nguy cơ đáng lo ngại hơn đối với gánh hàng rong, thức ăn đường phố - nơi chất lượng thực phẩm không được quản lý, khó kiểm tra hay lấy mẫu xét nghiệm…

“Khi chưa giải quyết được tận gốc vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, sẽ còn nhiều vụ ngộ độc xảy ra, với nhiều người bị ảnh hưởng”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.

Hướng dẫn bảo đảm an toàn thực phẩm

Đối với trường hợp ngộ độc do các vi sinh vật, việc tìm nguyên nhân có thể mất 3-6 ngày, thậm chí lâu hơn. Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đang đề xuất Bộ Y tế thành lập trung tâm đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm. Từ đó, có những nghiên cứu bài bản, dựa trên bằng chứng khoa học, nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại Việt Nam.

Trước thực trạng nhiều vụ ngộ độc tập thể xảy ra thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, cùng với việc triển khai hướng dẫn bảo đảm công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn, kiểm soát chặt chẽ, không để thực phẩm trôi nổi cung cấp cho bếp ăn tập thể…, cơ quan chức năng của các địa phương cần phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho người dân.

“Các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể và các cơ sở sản xuất, cung ứng thực phẩm. Đặc biệt, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, từ đó thay đổi hành vi mua lương thực, thực phẩm ở những nơi an toàn", Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần chọn mua thực phẩm từ các nguồn uy tín, có nguồn gốc và nhãn mác. Ngoài ra, nên rửa sạch thực phẩm trước khi chế biến. Riêng thịt, gia cầm và hải sản, phải rửa dưới vòi nước chảy mạnh. Không rửa những thực phẩm này trong bồn rửa bát vì có thể làm lây truyền vi khuẩn sang các thực phẩm khác. Với trứng, cần rửa sạch trước khi đập; không để trứng sống trong tủ lạnh quá 2 tuần. Còn rau, củ, quả, cần rửa sạch dưới vòi nước chảy mạnh. Không ngâm rau, củ, quả trong nước quá lâu vì có thể làm mất chất dinh dưỡng.

Cùng với đó, nấu chín kỹ thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp để tiêu diệt vi khuẩn. Với thịt, gia cầm và hải sản, cần nấu chín ở nhiệt độ ít nhất là 74 độ C. Bên cạnh đó, bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Riêng sữa và các sản phẩm từ sữa chỉ sử dụng khi còn hạn dùng và đã được tiệt trùng.

Còn với thực phẩm chế biến sẵn, phải kiểm tra kỹ nhãn mác trước khi mua; không mua loại đã hết hạn sử dụng. Đặc biệt lưu ý, nếu phía bên ngoài của đồ hộp bị móp méo, gỉ sắt... thì dù còn hạn sử dụng cũng không nên mua vì sản phẩm đã không được bảo quản tốt. Nếu vỏ hộp có hiện tượng bị phồng lên thì phải cảnh giác vì có khả năng bị hư hỏng do nhiễm độc vi khuẩn Clostridium botulinum, nếu ăn rất dễ gây ngộ độc dẫn đến tử vong.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top