Vì sao hàng chục nghìn cơ sở khám, chữa bệnh chưa liên thông đơn thuốc?

09:43 - Thứ Năm, 18/07/2024 Lượt xem: 4133 In bài viết

Dù đã hết hạn liên thông đơn thuốc điện tử tới Hệ thống đơn thuốc quốc gia, nhưng đến nay, mới chỉ có khoảng 8.473 trong số hơn 60.000 cơ sở khám chữa bệnh cả công lập và tư nhân trên toàn quốc thực hiện liên thông đơn thuốc quốc gia, đạt hơn 16%. Còn khoảng 84% cơ sở khám, chữa bệnh chưa liên thông đơn thuốc quốc gia. Vì sao lại có sự chậm trễ này?

Ông Trần Sỹ Hoà (76 tuổi, Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết: “Tôi khám dạ dày, thực quản tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Sau đó, tôi lên Bệnh viện Việt Đức khám lại. Bác sĩ tra trên hệ thống và nắm được kết quả, đơn thuốc của tôi do bác sĩ ở tuyến dưới kê và sử dụng kết quả đó, không yêu cầu tôi phải nội soi lại nữa. Duy chỉ có đơn thuốc, bác sĩ kê thêm 1 loại ngoài các thuốc mà bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh đã cho. Tôi thấy sự liên thông này có lợi cho người bệnh, không phải tốn kém chụp chiếu mà sử dụng kết quả của bệnh viện tuyến dưới, bác sĩ biết rõ mình đã từng dùng thuốc gì để kê cho phù hợp”.

Liên thông đơn thuốc điện tử, tránh việc người bệnh tự làm bác sĩ.

Tuy nhiên, việc liên thông đơn thuốc còn rất chậm trễ tại phần lớn bệnh viện trên toàn quốc. Theo Bộ Y tế, việc triển khai hệ thống khép kín trên phạm vi toàn quốc sẽ thực hiện được việc bán thuốc theo đơn đúng và chính xác, tránh việc mua thuốc tràn lan bừa bãi tự làm bác sĩ và tình trạng kháng kháng sinh do “nhờn” thuốc đang tồn tại nhức nhối hiện nay. Việc liên thông này từng bước tiến tới bệnh viện không giấy tờ, phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

Điều này cũng giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý các đơn thuốc được kê bảo đảm tính minh bạch, chính xác, bảo đảm nhà quản lý có công cụ giám sát việc hành nghề kê đơn của mỗi bác sĩ. Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay đã có hơn 136 triệu đơn thuốc được liên thông, hơn 19.000 cơ sở khám, chữa bệnh được cấp mã; hơn 103.000 bác sĩ được cấp mã nhưng mới chỉ có hơn 8.000 cơ sở khám, chữa bệnh thường xuyên thực hiện liên thông đơn thuốc. Tuy nhiên, tính đến nay, cả nước mới chỉ có 986 bệnh viện công lập và tư nhân đã và đang thực hiện liên thông đơn thuốc trên tổng số 1.447 bệnh viện. Số còn lại đã từng liên thông rồi tạm dừng hoặc chưa liên thông theo quy định, trong đó có 773 bệnh viện công lập, 213 bệnh viện tư nhân, đạt 68%. Hiện vẫn còn khoảng 416 bệnh viện, tương đương 32% đơn vị chưa triển khai liên thông đơn thuốc.

Tại tuyến xã, theo báo cáo, chỉ có 5.029/11.007 trạm y tế liên thông đơn thuốc, chiếm 46%, còn lại chưa thực hiện khai báo để cấp mã liên thông, chiếm 54%. Cũng theo Bộ Y tế, khối y tế tư nhân mới có 2.458 cơ sở triển khai liên thông và chỉ đạt 5%; còn lại 45.088 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, chiếm 95% chưa thực hiện liên thông đơn thuốc.

Chậm chạp liên thông đơn thuốc đã được phản ánh rất nhiều, nguyên nhân do đâu? Theo quy định tại Thông tư 27/2021/TT-BYT và Thông tư 04/2022 của Bộ Y tế, ngày 31/12/2022 là hạn cuối cho các bệnh viện từ hạng 3 trở lên liên thông vào hệ thống đơn thuốc quốc gia và bán thuốc theo đơn tại bệnh viện; ngày 30/6/2023 là hạn cuối cho các cơ sở khám, chữa bệnh liên thông vào hệ thống đơn thuốc quốc gia; đồng thời ngày 30/6/2023 cũng là hạn cuối cho các cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện bán thuốc theo đơn kết nối với hệ thống đơn thuốc quốc gia. 

Theo báo cáo của Bộ Y tế gửi Chính phủ về việc thực hiện tăng cường quản lý, kết nối cơ sở cung ứng thuốc, tính tổng số cơ sở khám, chữa bệnh các loại hình đã thực hiện liên thông mới chỉ đạt 16%. Đây là con số rất thấp. Đến tháng 7/2024, đã qua một năm so với quy định của Thông tư, nhưng vẫn còn hơn 80% cơ sở khám, chữa bệnh chưa thực hiện liên thông đơn thuốc quốc gia. Vì vậy, người bệnh và các cơ sở bán lẻ thuốc không có đơn thuốc điện tử, mã đơn thuốc để thực hiện bán thuốc theo đơn nhằm quản lý việc bán thuốc kê đơn theo đúng đơn thuốc. Tình trạng bán thuốc không theo đơn vẫn tràn lan trên cả nước, trong đó lạm dụng kháng sinh diễn ra phổ biến. 

Theo ông Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Y tế, tình trạng kê đơn thuốc bằng tay, kê đơn không đúng quy định mẫu đơn thuốc của Bộ Y tế vẫn còn. Nhiều cơ sở bán lẻ thuốc chưa sử dụng mã đơn thuốc khi giao dịch bán thuốc theo đơn. So sánh số đơn đã bán được gửi báo cáo với số đơn đã kê tỷ lệ vô cùng thấp, chỉ khoảng 1,1%.

Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trên theo đại diện Hội Tin học là do lãnh đạo cơ sở y tế, đơn vị chưa quan tâm, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo sát sao việc liên thông đơn thuốc điện tử và chưa thấy việc này là cần thiết. Việc kiểm tra, xử phạt bán thuốc không kê đơn còn quá ít; còn bỏ ngỏ xử phạt cơ sở y tế chậm liên thông đơn thuốc theo Nghị định 177/2020/NĐ-CP và Nghị định 124/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Lãnh đạo các đơn vị chưa mặn mà, chưa coi đây là việc cần làm ngay.

Theo một số ý kiến, việc quá hạn quy định của hai Thông tư nêu trên đã lâu, nhưng Bộ Y tế vẫn thiếu các văn bản chỉ đạo trong việc triển khai đối với từng Sở Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, việc thành lập các đoàn kiểm tra của Bộ Y tế, Sở Y tế địa phương nhằm đánh giá việc thực thi tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở bán lẻ thuốc và có chế tài xử lý nghiêm nhằm thúc đẩy việc triển khai đến thời điểm này cũng chưa được vận hành.

Để liên thông đơn thuốc điện tử được thực hiện, thiết nghĩ, Bộ Y tế cần đưa tiêu chí liên thông đơn thuốc thành tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện hàng năm. Bộ Y tế sớm có chỉ đạo để các cơ sở y tế trong và ngoài công lập, cơ sở bán lẻ nhanh chóng thực hiện liên thông đơn thuốc và tiến tới việc bán thuốc kê đơn theo thuốc được xác minh, bảo đảm tránh tái mua nhiều lần trên cùng một đơn thuốc. Điều này đem lại lợi ích cho người dân, tránh được đại dịch kháng thuốc đang báo động tại Việt Nam.        

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top