Hóc dị vật khi ăn uống - nguy hiểm khôn lường

07:19 - Chủ Nhật, 21/07/2024 Lượt xem: 5124 In bài viết

Hóc dị vật khi ăn uống là một tai nạn nguy hiểm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Gần đây, nhiều bệnh viện đã tiếp nhận cấp cứu cho các ca hóc dị vật như tăm xỉa răng, xương cá, hạt hồng xiêm...

Đây là tình trạng cấp cứu khẩn cấp, nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như thủng ruột non, khó thở gây ra tổn thương não, xẹp phổi... thậm chí gây tử vong.

Thủng ruột non do nuốt phải tăm nhọn khi ăn lẩu

Theo thông tin từ Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ của bệnh viện này vừa cấp cứu ngay trong đêm lấy dị vật chọc thủng thành ruột của một nam thanh niên 20 tuổi. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng và sốt. Qua khai thác người bệnh cho biết ăn lẩu cách đó 1 tuần, sau ăn xuất hiện đau bụng âm ỉ.

Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết cho người bệnh này để đánh giá tổn thương, qua đó đã phát hiện 2 dị vật trong lòng ruột, chọc thủng thành ruột gây tình trạng nhiễm trùng trong ổ bụng. Bệnh nhân đã được mổ cấp cứu ngay trong đêm để lấy dị vật và xử lý tổn thương ruột. Các dị vật lấy ra có hình dạng giống chiếc tăm, nghi ngờ lẫn trong rau ăn lẩu mà người bệnh không cẩn thận đã nuốt vào.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân (26 tuổi, ở Hà Nội) nuốt phải xương cá, bị đâm xuyên dạ dày, thủng vào gan gây áp xe.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Trọng, Trưởng khoa Ngoại Gan mật - Tiêu hóa và Ung bướu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: “Quá trình mổ nội soi cho bệnh nhân, các phẫu thuật viên vén mặt dưới của gan lên thì thấy ổ áp xe. Khi chạm vào ổ áp xe thì bất ngờ thấy xuất hiện ngay một đoạn xương cá nhọn, dài 4cm. Sau khi được mổ nội soi kết hợp với điều trị kháng sinh, tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân đã ổn định hơn và bệnh nhân có thể xuất viện sớm”.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, các bác sĩ khoa Cấp cứu - Hô hấp - Hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố cũng đã thực hiện thành công ca nội soi gắp dị vật và cải thiện chức năng phổi cho bé gái 14 tháng tuổi bị biến chứng phổi nặng do hóc hạt mãng cầu nguy hiểm tới tính mạng. May mắn sau khi gắp dị vật ra khỏi đường thở, tình trạng sức khỏe của bé đã cải thiện đáng kể. Thông khí phổi của bé dần ổn định, độ bão hòa oxy đạt 94 - 96%. Sau hơn 1 tuần điều trị tích cực, bé đã cai máy thở thành công, giảm nhiễm trùng phổi.

Không chủ quan tự xử lý khi hóc dị vật

ThS.BS Tào Minh Châu, khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức cho biết: “Hóc dị vật là các trường hợp tai nạn hy hữu, hiếm gặp, nhưng có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. Dị vật đường tiêu hóa có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như tắc nghẽn, tổn thương ống tiêu hóa như loét, xuất huyết tiêu hóa, thủng thực quản, áp xe trung thất..., thậm chí dẫn đến biến chứng nặng và tử vong. Do vậy, người dân nên cẩn trọng trong ăn uống, nếu nuốt phải vật lạ nên đến các cơ sở y tế uy tín trong thời gian sớm nhất để được khám, chữa bệnh kịp thời”.

Tuy nhiên, hiện vẫn có rất nhiều trường hợp khi bị hóc dị vật đã không đến bệnh viện mà tự chữa mẹo khiến dị vật càng đâm sâu hơn, gây tổn thương thực quản, tá tràng, nguy cơ thủng dạ dày tá tràng và chảy máu rất cao. Các chuyên gia y tế cảnh báo người dân không nên tự ý xử lý khi hóc dị vật bằng các mẹo dân gian như nuốt cục cơm, ngậm vitamin C khi hóc xương cá, vuốt xuôi ngực khi bị hóc nghẹn... Tuyệt đối không cố tìm cách móc dị vật trong miệng, họng bằng tay hay vật khác bởi có thể làm dị vật xuống sâu hơn, gây xước niêm mạc họng...

Việc xử lý gắp dị vật còn tùy theo tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân. Với những dị vật đường tiêu hóa ở vị trí họng hoặc hạ họng thì bệnh nhân sẽ được gắp dị vật một cách trực tiếp ra khỏi họng. Tuy nhiên, với những vị trí dị vật đường tiêu hóa sâu hơn, chẳng hạn như dạ dày hay thực quản thì cần đến những phương pháp khác mới có thể xử lý được. Một trong những phương pháp phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay để điều trị dị vật đường tiêu hóa là kỹ thuật nội soi gắp dị vật. Bệnh nhân sẽ được thăm khám lâm sàng cũng như chụp X - quang xác định vị trí của dị vật đường tiêu hóa, đồng thời sẽ được làm một số xét nghiệm tiền mê cần thiết để tiến hành nội soi gắp dị vật đường tiêu hóa. Nội soi gắp dị vật thực quản, dạ dày sử dụng nội soi ống mềm để thực hiện kỹ thuật gắp dị vật, tuy nhiên nếu một số trường hợp bệnh lý có dị vật có kích thước quá lớn hoặc có nguy cơ gây ra tổn thương trong quá trình nội soi thì bệnh nhân cần được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật mổ hở.

Thực tế quá trình nội soi gắp dị vật cũng rất phức tạp cần sự cẩn trọng của bác sĩ. Từng dị vật sẽ có dụng cụ gắp khác nhau, do đó các bác sĩ luôn có sự cân nhắc và lựa chọn kỹ càng. Ngoài ra, đối với một số dị vật có đầu sắc nhọn dễ gây tổn thương, chảy máu, nhiễm trùng vùng cổ hoặc đường tiêu hóa, các bác sĩ sẽ phải dùng nhóm dụng cụ đặc biệt giúp bảo vệ niêm mạc thành ống tiêu hóa như ống lồng bên ngoài, mũ chụp đầu ống soi...

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top