Thủy đậu là một trong 5 bệnh có tỷ lệ nhiễm cao nhất tại Việt Nam

08:36 - Thứ Bảy, 27/07/2024 Lượt xem: 4853 In bài viết

Những năm gần đây, thủy đậu là một trong 5 bệnh có tỷ lệ nhiễm cao nhất tại Việt Nam. Khi mắc bệnh, tỷ lệ xảy ra biến chứng và tử vong cao hơn ở người lớn.

Ngày 26-7, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức buổi truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân với chủ đề “Thủy đậu - biến chứng ở người lớn, những điều cần biết”.

Bệnh nhân mắc thủy đậu điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Quang Huy, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), những năm gần đây, thủy đậu là một trong 5 bệnh có tỷ lệ nhiễm cao nhất tại Việt Nam. Đây là bệnh truyền nhiễm, do vi rút Varicella Zoster gây ra và có thể bùng phát thành dịch.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố ghi nhận 679 ca mắc thủy đậu.

Cũng trong 3 tháng đầu năm nay, tại tỉnh Yên Bái ghi nhận vụ dịch thủy đậu với 69 ca bệnh, trong đó có một trường hợp tử vong.

Vi rút gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp, không khí. Người dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân ho, hắt hơi... Tất cả người chưa có kháng thể với vi rút đều có nguy cơ nhiễm bệnh.

“Nhiều người chủ quan khi cho rằng, người lớn không mắc thủy đậu. Nếu có nhiễm bệnh thì cũng tự khỏi và không để lại biến chứng. Thế nhưng, trên thực tế, khi mắc bệnh, tỷ lệ xảy ra biến chứng và tử vong cao hơn ở người lớn. Trung tâm Bệnh nhiệt đới từng tiếp nhận điều trị cho nhiều người lớn mắc thủy đậu, trong đó đã ghi nhận nam thanh niên 32 tuổi tử vong do biến chứng viêm phổi, suy gan”, bác sĩ Nguyễn Quang Huy cảnh báo.

Thủy đậu ở người khỏe mạnh thường gây tổn thương các nốt phỏng trên da và sau 1-2 tuần sẽ khỏi, không để lại di chứng. Các ca có biến chứng nặng gây viêm phổi, viêm não, suy đa phủ tạng thường xảy ra trên những cơ địa suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh nền, dùng các thuốc ức chế miễn dịch.

Triệu chứng thủy đậu ở người lớn cũng giống với trẻ em, nhưng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi biến chứng. Bệnh tiến triển thông qua các triệu chứng ban đầu từ 1-3 tuần sau khi tiếp xúc với vi rút, như: Sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, đau nhức cơ thể và đầu. Những triệu chứng này thường bắt đầu một hoặc hai ngày trước khi xuất hiện phát ban. Với người lớn, số mụn nước dao động từ 250-500 nốt.

Theo một số nghiên cứu về việc điều trị bệnh thủy đậu đối với người lớn, các trường hợp nặng và tử vong chiếm khoảng 10,4%. Đây là một tỷ lệ cao đối với bệnh đã có vắc xin điều trị.

Đặc biệt, thai phụ nhiễm thủy đậu có nguy cơ viêm phổi do vi rút varicella chiếm từ 10-20%, trong số người viêm phổi do vi rút này, nguy cơ tử vong lên đến 40%. Tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu cao nhất trong số những người lớn nhiễm bệnh này. Ngoài ra, phụ nữ mang thai bị thủy đậu có thể lây truyền cho thai nhi qua nhau thai hoặc lây sau khi sinh nở.

Bác sĩ Nguyễn Quang Huy cũng lưu ý, các bệnh nhân có miễn dịch yếu, đang dùng thuốc corticoid, thuốc điều trị ung thư, đang xạ trị hay bị đái tháo đường khi mắc thủy đậu sẽ dễ chuyển nặng và biến chứng. Ngoài ra, với những trường hợp khỏe mạnh cũng không nên chủ quan. Khi mắc bệnh cần đến cơ sở y tế để bác sĩ có chuyên môn chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu hiệu quả hiện nay, theo các chuyên gia y tế, đó là tiêm vắc xin phòng bệnh ở cả người lớn, trẻ em và phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm trước khi có thai ít nhất 3 tháng.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top