Không chủ quan với bệnh liên cầu khuẩn lợn

09:00 - Thứ Hai, 05/08/2024 Lượt xem: 5347 In bài viết

Dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng những ngày qua tại các bệnh viện vẫn liên tục tiếp nhận bệnh nhân nhập viện do nhiễm liên cầu khuẩn lợn, trong đó đã có trường hợp tử vong.

Chính vì vậy, để phòng bệnh, người dân không nên chủ quan mà cần tuân thủ thực hiện vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ, không ăn tiết canh hay thịt lợn ốm, chết và thực phẩm chưa nấu chín kỹ.

Điều trị cho bệnh nhân bị suy đa tạng, rối loạn đông máu do nhiễm liên cầu khuẩn lợn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Sau khi người nhà mua lòng và tiết lợn ở chợ về, anh L.Đ.T (41 tuổi ở Thanh Hóa) đã chế biến món tiết canh và ăn hai bát. Sau đó, anh T. sốt cao, đau đầu, ù tai, lòng bàn chân trái có vết sưng bầm tím. Bốn ngày sau đó, anh đến Trạm Y tế xã để khám và được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh. Tại đây, kết quả xét nghiệm chẩn đoán cho thấy, bệnh nhân nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis) và được chuyển tiếp đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Sau 10 ngày được điều trị tích cực nhưng do tình trạng bệnh quá nặng nên anh T. đã tử vong vào sáng 2-8. Nguyên nhân được xác định là nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn.

Trước đó, cuối tháng 7-2024, trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng ghi nhận 3 ca mắc liên cầu khuẩn lợn, trong đó có nam bệnh nhân (36 tuổi ở huyện Ba Vì) khởi phát bệnh sau 2 ngày giết mổ và ăn thịt lợn ốm. Sau đó, bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau đầu, nôn nhiều, được gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, bệnh nhân được chọc dịch não tủy và xét nghiệm cho kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn. Như vậy, tính từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 6 trường hợp mắc liên cầu lợn.

Ở nước ta, bệnh liên cầu lợn mới được biết đến từ năm 2003. Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, bệnh này có xu hướng xảy ra vào mùa hè nắng nóng. 96% người bệnh có biểu hiện viêm màng não như: Sốt, nhức đầu, ói, cổ cứng, rối loạn tri giác… và 68% trường hợp viêm màng não mủ có triệu chứng ù tai, điếc. Điều đáng nói, bệnh này không để lại miễn dịch lâu dài, người đã từng bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại lần sau.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), có 3 nhóm đối tượng dễ bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, gồm: Những người tham gia giết mổ lợn, chế biến thịt lợn ốm, chết; người làm việc ở các lò giết mổ lợn tập trung; những người ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn không được chế biến kỹ.

Nhiều người quan niệm rằng, không ăn tiết canh lợn thì có thể chuyển sang ăn tiết canh ngan, vịt hoặc tiết canh dê được nuôi nhốt “sạch”, không chứa vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, theo bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương), trên thực tế, tại bệnh viện đã tiếp nhận không ít bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn dù trước đó ăn tiết canh dê hay tiết canh gia cầm. Với các loại gia cầm, hay dê không có vi khuẩn liên cầu lợn. Tuy nhiên, khi chế biến các loại tiết canh này, người nấu bếp có thể pha trộn thêm tiết canh lợn, hay sụn và thịt lợn nên vẫn có nguy cơ bị nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, có một số quan điểm cho rằng, lợn nhà nuôi hay lợn mán, lợn cắp nách… là lợn “sạch” và có thể ăn tiết canh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, bất kể giống lợn nào vẫn có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn. Bởi thông thường, vi khuẩn liên cầu thường cư trú ở vùng họng của lợn mà không gây bệnh, thường được gọi là lợn lành mang trùng. Với lợn nhiễm liên cầu, trong máu (tiết) và thịt lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn. Chính vì vậy, khi thực phẩm đó không được nấu chín kỹ, người ăn vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.

Để phòng tránh nhiễm liên cầu khuẩn lợn, theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm, người dân nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y. Ngoài ra, nên tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường hoặc có dấu hiệu xuất huyết, phù nề. Điều đáng nói là vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn khi thực phẩm được nấu chín kỹ. Do đó, để phòng bệnh, người dân cần nấu chín kỹ thức ăn và tuyệt đối không ăn lợn chết, không ăn các món tái, đặc biệt là tiết canh. Với những người có vết thương hở khi giết mổ hoặc tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống cần phải đeo găng tay. Sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn phải rửa tay cùng các dụng cụ bằng xà phòng, hoặc dung dịch sát khuẩn. Người dân cần giữ các dụng cụ chế biến như dao, thớt, nồi… ở những nơi sạch sẽ, dùng riêng dụng cụ khi chế biến thịt lợn sống và chín.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top