Bộ Y tế đề nghị thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng ứng phó theo các mức độ của dịch sởi

14:48 - Thứ Hai, 19/08/2024 Lượt xem: 4427 In bài viết

Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đề ra 5 hoạt động trọng tâm mà ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh cần thực hiện; trong đó, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện ứng phó theo các mức độ, quy mô của dịch sởi.

Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ tại Hệ thống tiêm chủng VNVC. Ảnh: Phong Lan

Ngày 19-8, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có Công văn số 1342/KCB-ĐD& KSNK gửi Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh về việc tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm sởi trong cơ sở khám, chữa bệnh.

Theo đó, trước tình hình dịch sởi đang có diễn biến phức tạp trên địa bàn, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng, kiểm soát lây nhiễm sởi trên địa bàn toàn thành phố, bao gồm cả hoạt động tiêm chủng.

Cụ thể, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cần chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị người bệnh sởi kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong.

Cũng tại công văn này, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề ra 5 hoạt động trọng tâm mà ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh cần thực hiện.

Thứ nhất là, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện ứng phó với bệnh dịch. Cụ thể, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cần kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của đơn vị; chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch dự phòng và ứng phó với bệnh dịch theo các mức độ, quy mô của dịch. Đồng thời, ban hành các hướng dẫn, quy trình ứng phó khi có ca bệnh nhiễm, nghi nhiễm sởi đến khám tại đơn vị, bao gồm: Quy trình phân luồng, khám sàng lọc, cách ly, đưa người nhiễm vào khu điều trị.

Cùng với đó, sẵn sàng nguồn lực, các khu vực cách ly điều trị hoặc cách ly tạm thời cho người bệnh nhiễm, nghi nhiễm sởi tùy theo quy mô và chỉ đạo của chính quyền, cơ quan quản lý y tế địa phương. Bảo đảm đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân cần thiết cho nhân viên y tế khám, điều trị, chăm sóc trực tiếp cho các ca nhiễm hoặc nghi nhiễm sởi. Tiến hành phối hợp điều tra dịch ngay khi có ca bệnh sởi đầu tiên.

Thứ hai là, tuân thủ nghiêm các biện pháp kiểm soát lây nhiễm sởi. Cụ thể, Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu tăng cường hoạt động sàng lọc, phát hiện sớm và cách ly kịp thời ca nhiễm hoặc nghi nhiễm sởi tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

“Các trường hợp nhẹ, không có biến chứng có thể hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà, trạm y tế. Người bệnh nghi ngờ hoặc được chẩn đoán mắc sởi cần được cách ly ngay trong phòng cách ly, cách xa các phòng bệnh khác hoặc khu vực đông người đi lại. Áp dụng phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa theo đường không khí cho người bệnh sởi trong giai đoạn lây nhiễm. Vệ sinh và khử trùng thường xuyên tất cả các bề mặt, đồ vật trong phòng cách ly để loại bỏ vi rút sởi... Các cơ sở y tế hạn chế số lượng người thăm bệnh và chỉ cho phép những người đã được tiêm phòng sởi đầy đủ vào thăm người bệnh”, đại diện Cục Quản lý khám, chữa bệnh nhấn mạnh.

Thứ ba là, tiêm vắc xin phòng bệnh. Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ nhân viên y tế, người bệnh có tiếp xúc với trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm sởi để đánh giá tình trạng miễn dịch và tiêm phòng đầy đủ.

Thứ tư là, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh tăng cường thực hiện các biện pháp truyền thông về phòng ngừa lây nhiễm, cách phát hiện và xử trí khi có người nghi nhiễm sởi cho nhân viên y tế, người dân tại cộng đồng và cơ sở khám, chữa bệnh. Đồng thời, các cơ sở khám, chữa bệnh được tập huấn về sàng lọc, khám, điều trị, chăm sóc và kiểm soát lây nhiễm sởi. Các địa phương cần tăng cường truyền thông, thực hiện và quản lý tiêm phòng sởi cho trẻ em; kiểm tra, dự trù đủ vắc xin.

Thứ năm là, phối hợp trong công tác phòng, chống dịch. Theo đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế tại địa phương, vùng và quốc gia để cập nhật thông tin về bệnh sởi; thực hiện các biện pháp giám sát, kiểm soát bệnh dịch theo quy định.

Từ đầu năm 2024 đến ngày 14-8, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi; trong đó, số ca dương tính với sởi là 346 ca và đã có 3 ca tử vong. Điều đáng nói, nhiều bệnh nhi mắc sởi do chưa được tiêm vắc xin hoặc tiêm không đầy đủ. Trong khi từ năm 2021 đến năm 2023, toàn thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 1 ca bệnh sởi.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top