Gần 200 ca mắc đậu mùa khỉ ở phía Nam, có đáng lo ngại khi chủng mới xuất hiện?

10:14 - Thứ Năm, 22/08/2024 Lượt xem: 5159 In bài viết

Từ đầu năm nay, các nhà khoa học đã báo cáo sự xuất hiện của một dạng đậu mùa khỉ mới, có thể tạo ra tỷ lệ đến 10% đe doạ tính mạng người nhiễm bệnh.

Ngày 14/8 vừa qua, Tổ chức Y tế (WHO) đã nâng mức cảnh báo đối với đợt bùng phát đậu mùa khỉ ở châu Phi lên tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, mức cảnh báo cao nhất theo quy định quốc tế. Một ngày sau tuyên bố, WHO đã ghi nhận trường hợp nhiễm virus đậu mùa khỉ ở Thụy Điển có liên quan đến đợt bùng phát dịch bệnh này ở châu Phi.

WHO cảnh báo rằng sự lây lan ngày càng tăng của virus đậu mùa khỉ ở châu Phi có thể lan sang các lục địa khác. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 199 ca mắc đậu mùa khỉ ở phía Nam, trong đó có 8 ca tử vong. Với chủng virus mới và nguy hiểm hơn, bệnh có đáng lo ngại khi lây lan vào nước ta?

Tăng cường tuyên truyền biện pháp tình dục an toàn để phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ và HIV.

Bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lây lan qua tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm bệnh, bao gồm cả quan hệ tình dục. Hiện tượng đáng lo ngại là sự gia tăng lây lan của chủng virus mới và nguy hiểm hơn là clade Ib, tại Cộng hoà Dân chủ Congo, đồng thời, đã xuất hiện ít nhất 4 quốc gia khác ở châu Phi mà trước đây chưa ghi nhận. WHO cho biết nguy cơ lây lan quốc tế từ đợt bùng phát này là “rất nghiêm trọng”. Trong tháng 7 vừa qua, hơn 100 trường hợp được xác nhận trong phòng thí nghiệm của nhóm 1b đã được báo cáo ở 4 quốc gia lân cận Congo.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Pesteur TP Hồ Chí Minh, trong 2 năm (2023-2024) ghi nhận 199 ca đậu mùa khỉ, trong đó có 8 ca tử vong. TP Hồ Chí Minh được ghi nhận có số ca mắc cao nhất tại khu vực phía Nam, với 156 ca và tử vong 6 ca. Riêng năm 2024, TP Hồ Chí Minh có 49 ca, không có ca tử vong.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đặc điểm dịch tễ của các ca bệnh tại TP, 100% là nam giới, nhỏ nhất là 18 tuổi và lớn nhất là 53 tuổi. Độ tuổi ghi nhận nhiều nhất là 30-39 tuổi (46%). Đáng chú ý, 84% ca bệnh đậu mùa khỉ tự nhận bản thân thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Trong đó, có 55% là người sống chung với HIV và 7% đang điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Tuy dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn TP vẫn đang được kiểm soát, chưa ghi nhận thay đổi về dịch tễ học, song dòng virus gây bệnh vẫn là clade IIb, là dòng gây dịch cho các nước trên thế giới, chưa phát hiện clade Ib. Dịch vẫn lây chủ yếu trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới hoặc lưỡng tính, qua hành vi quan hệ tình dục không an toàn.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), lade Ib là nhánh mới của chủng virus clade IIb gây bệnh đậu mùa khỉ, nhánh này có tốc độ lây lan nhanh hơn và gây bệnh nặng hơn. Hiện chủ yếu được phát hiện ở Congo, mới có ít nước ngoài châu Phi phát hiện nhánh này. Tại Việt Nam chưa phát hiện nhánh mới này, nhưng cũng không được chủ quan.

Để phòng bệnh, theo ông Phu, Việt Nam cần giám sát chặt chẽ cửa khẩu, đặc biệt những người đi về từ châu Phi, để kịp thời phát hiện và cách ly sớm. Thường xuyên giải trình tự gen nhằm phát hiện chủng mới để có biện pháp phòng chống. Trong nội địa, tăng cường tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là những người trong nhóm MSM về quan hệ tình dục an toàn. Với tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn, chủng mới nếu xâm nhập và lây trong nhóm đối tượng này, đặc biệt người HIV, nguy cơ bệnh sẽ nặng hơn rất nhiều.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống dịch bệnh, thực hiện giải trình tự gen một số mẫu bệnh phẩm để giám sát sự biến đổi của virus gây bệnh. Bộ Y tế khuyến cáo, người dân nếu phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng. Người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của nhân viên y tế trong chăm sóc điều trị cho bản thân, giảm thiểu các biến chứng cũng như thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng lây nhiễm. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là thực hành quan hệ tình dục an toàn.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top