Số bệnh nhân cấp cứu, chữa trị thương tích do bão lũ tăng vọt

08:56 - Thứ Tư, 11/09/2024 Lượt xem: 3344 In bài viết

Sau cơn bão số 3, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận hơn 80 bệnh nhân gặp nạn do mưa lũ, nhiều khoa quá tải giường bệnh, trong đó có 50% là ca nặng.

Theo Bệnh viện Việt Đức, trong 3 ngày bão số 3 và hoàn lưu sau bão, Bệnh viện tiếp nhận hơn 80 ca liên quan đến bão, lũ. Trước đó, ngày 8/9, Bệnh viện tiếp nhận 180 ca cấp cứu, trong đó có đến 74 ca liên quan đến bão. Nhiều người gặp nạn khi sửa chữa nhà bị tốc mái, dọn cây đổ hoặc trượt ngã do đường trơn trượt, hoặc bị kính, tường, vật dụng đổ, bay vào người. Một số trường hợp bị chấn thương sọ não, vỡ đại tràng rơi vào tình trạng nguy kịch.

Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị chấn thương do bão lũ.

Trường hợp nặng nhất đang điều trị là bị chấn thương sọ não, phải thở máy do trượt mái tôn. Trường hợp khác phải mổ cấp cứu là ông N.V.Đ trong lúc gia cố mái nhà trước sức gió của cơn bão, ông bị ngã cao 2m, dẫn đến chấn thương nặng. Hiện ông đã dần hồi phục sức khoẻ. 

Hoàn lưu sau bão khiến các tỉnh mưa to, rất to và số ca vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức tăng gấp 5 lần so với ngày xảy ra bão, hầu hết đều được chuyển từ tuyến dưới lên, phần lớn ở các tỉnh đang xảy ra bão lũ. 

Tình trạng quá tải còn diễn ra tại Khoa Chấn thương chỉnh hình từ sáng 9/9 khi tại đây có gần 130 bệnh nhân, tăng 150% so với sức chứa của Khoa, khiến giường bệnh phải xếp kín cả hành lang.

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, tình trạng quá tải này một phần do hai ngày cuối tuần bão lớn, các bác sĩ thống nhất không cho bệnh nhân ra viện để đảm bảo an toàn, trong khi đó số bệnh nhân mới lại tăng vọt. 

Đến sáng 10/9, khi thời tiết ổn định hơn, để giảm tải áp lực, Khoa cho 60 bệnh nhân ra viện, bệnh nhân còn lại tiếp tục điều trị, theo dõi.

Kíp trực làm việc liên tục 24/24h.

Do thời tiết xấu, vận chuyển người bệnh lên tuyến trên rất khó khăn, Bệnh viện Việt Đức đã thành lập mạng lưới Telemedicine gồm 8 bệnh viện ở Sơn La, Quảng Ninh, Lào Cai, Lai Châu, Hải Phòng... để hội chẩn từ xa các ca bệnh nặng như vụ sập cầu Phong Châu tại Bệnh viện Tam Nông (Phú Thọ).

Tại Bệnh viện Bạch Mai, từ chiều tối 7/9 đến sáng 8/9, Trung tâm Cấp cứu A9 đã tiếp nhận 10 bệnh nhân bị thương sập nhà, đổ mái và bị cây đổ ngoài đường do ảnh hưởng của bão số 3. Những bệnh nhân này sau khi chuyển đến đều được cấp cứu kịp thời.

Trong số 5 bệnh nhân vào viện lúc rạng sáng 8/9, có 2 trường hợp nặng bị chấn thương vùng đầu, vùng cổ do mái tôn rơi xuống người và bị ngã từ trên cao.

Nhiều người bị thương do ngã cao, gia cố lại mái nhà trong lúc gió to.

Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho 9 bệnh nhân bị rắn độc và các động vật gây độc khác cắn. Các bệnh nhân bị rắn cắn trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng đa số là  bị rắn cắn khi ra ngoài kiểm tra sân vườn, ruộng trong và sau bão, tiếp xúc với các các bờ cây, bụi cỏ, đống rác hay lá cây, điều kiện quan sát hạn chế. Thậm chí, có trường hợp rắn độc chui vào nhà cắn khi bệnh nhân đang ngủ.

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện tổ chức nhân lực, cán bộ trực, kiểm soát, sẵn sàng xử lý sự cố như cây đổ, ngập lụt, tốc mái... do mưa bão gây ra.

Ngoài ra, còn có các đội cấp cứu cơ động với đầy đủ thuốc men, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu. Hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia hàng đầu ở nhiều lĩnh vực cũng sẵn sàng hội chẩn từ xa, hỗ trợ cho đồng nghiệp ở các tỉnh chịu ảnh hưởng của mưa bão nhằm cấp cứu người bệnh hiệu quả nhất.

Theo Sở Y tế Quảng Ninh, các cơ sở y tế đã tiếp nhận 1.153 bệnh nhân vào điều trị do mưa bão, trong đó có 4 bệnh nhân tử vong, 16 ca đa chấn thương nặng, 13 bệnh nhân chấn thương sọ não, 6 ca chấn thương cột sống, 29 ca chấn thương lồng ngực, ổ bụng..., các ca còn lại bị các chấn thương phần mềm, gãy xương khác.

Các bệnh nhân đa số bị thương do tôn văng vào, ra ngoài đường khi bão đang đổ bộ, sập mái tôn, ngã tầng cao xuống...

Trong bão, các cơ sở y tế tiếp nhận 357 cuộc gọi, trong đó 136 cuộc gọi cấp cứu. Trung tâm vận chuyển cấp cứu điều phối và vận chuyển cấp cứu thành công 62 chuyến xe cho các đơn vị y tế toàn ngành.

Theo Sở Y tế, toàn bộ 24 đơn vị khám bệnh, chữa bệnh mất điện toàn phần hoặc cục bộ, phải sử máy phát điện. Tuy nhiên, hiện tại dự trữ dầu cho máy phát điện đã cạn kiệt, rất khó khăn trong việc duy trì vì các nhà cung cấp năng lượng bị gián đoạn.

Nước tràn vào Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ. 

Đến ngày 8/9, 4 cơ sở y tế đã có nước sạch và điện lưới, 10 đơn vị vẫn có nước sạch và máy phát điện phục vụ khám chữa bệnh.

Đến chiều nay 10/9, tại nhiều bệnh viện, cơ sở y tế còn bị mất điện, nước. Với phương châm "4 tại chỗ"..., các bệnh viện tại Quảng Ninh đã và đang chủ động khắc phục, hoạt động khám chữa bệnh đi vào ổn định, các cây xanh đổ đã được dọn dẹp và dựng lại.

Các y bác sĩ vừa dọn dẹp cây đổ sau bão, vừa đảm bảo khám chữa bệnh.

Các khu nhà bị kính vỡ, cửa sổ bật tung đã được phủ bạt hoặc che. 100% người bệnh đến khám được phân luồng xử trí bình thường, các bệnh nhân nội trú có phòng, giường... để yên tâm điều trị. 

Xác định sẽ còn tiếp nhận những ca cấp cứu do mưa lũ sau bão, các bệnh viện chưa có điện, nước tiếp tục dự trữ xăng dầu để chạy máy phát điện và xin, dự trữ nước phục vụ người bệnh. 

Theo Sở Y tế Quảng Ninh, ngoài đưa bệnh viện vào hoạt động trở lại, các cơ sở y tế còn tăng cường vệ sinh môi trường, hạn chế tối đa dịch bệnh sau bão.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top