Dùng mỡ lợn hay dầu ăn tốt cho sức khỏe?

08:52 - Thứ Sáu, 20/09/2024 Lượt xem: 3681 In bài viết

Đây cũng là băn khoăn của nhiều bà nội trợ trong quá trình chế biến các loại thực phẩm, đặc biệt là những món chiên rán.

Nhiều người có quan điểm chỉ dùng dầu ăn để tránh béo phì, tốt cho sức khỏe. Nhiều người khác lại cho rằng ăn mỡ mới cung cấp nhiều dưỡng chất…

Không phải chất béo nào cũng gây hại đến sức khỏe

Dầu ăn và mỡ lợn đều là những nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều món ăn Việt. Tuy nhiên, hiện nay nhiều gia đình đã và đang có xu hướng chỉ dùng dầu ăn vì lo lắng mỡ lợn chứa nhiều chất béo gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Quả thật, khi cơ thể nạp quá nhiều chất béo thì một số loại chất béo làm tăng mức cholesterol trong máu. Cholesterol xấu có thể tích tụ trên thành mạch máu là nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch, tăng huyết áp… Nếu hấp thụ quá nhiều chất béo, có thể dẫn đến lượng calo dư thừa và tăng cân, dễ dẫn đến nguy cơ thừa cân và béo phì. Nếu ăn quá nhiều chất béo bão hòa có thể gây tổn thương gan vì có thể dẫn đến sự phát triển của bệnh gan nhiễm mỡ… Đó chính là lý do không ít người tránh xa chất béo vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tuy nhiên, mọi người đã quên mất rằng chất béo chứa các axit béo thiết yếu và cơ thể không thể tạo ra các chất dinh dưỡng này. Do đó, sức khỏe của con người cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu không ăn đủ chất béo. Thực tế, cả dầu ăn và mỡ lợn đều cung cấp những chất dinh dưỡng cần thiết, trong đó có axit béo cần thiết mà cơ thể không có khả năng tự tổng hợp như Acid Linoleic (omega 6) và Acid α Linoleic (omega 3). Đây cũng là dung môi để hòa tan các vitamin A, D, E, K; tham gia cấu tạo các tế bào và dịch thể của các tổ chức, cấu tạo màng tế bào, các tổ chức liên kết, tổ chức thần kinh, đặc biệt là tổ chức não.

Do đó, quan niệm chỉ sử dụng dầu ăn vì ít chất béo sẽ “giữ dáng” tốt hơn mỡ lợn là sai lầm. Các nhà khoa học đã chứng minh, dù là dầu thực vật hay mỡ động vật, 1g chất béo này đều cung cấp 9 calo. Điều đó có nghĩa việc sử dụng lượng dầu ăn và mỡ lợn tương đương nhau thì khả năng gây béo phì của chúng cũng ngang nhau chứ không phải chỉ ăn mỡ động vật mới gây béo.

Lựa chọn cân đối giữa mỡ và dầu thực vật

Cả dầu ăn và mỡ lợn đều có những ưu cùng khuyết điểm riêng nên rất khó để so sánh nên sử dụng loại nào thay loại nào. Ví như, trong mỡ lợn có các thành phần cấu tạo nên thành tế bào thần kinh, mà chất này lại không có trong dầu ăn thực vật. Trong khi đó, dầu ăn thực vật chứa nhiều axit béo góp phần làm giảm lượng cholesterol xấu trong máu. Dầu ăn còn chứa các vitamin như E, K và rất dễ hấp thu, vượt trội hơn hẳn so với mỡ lợn.

Để phòng tránh việc thừa cholesterol, tránh nguy cơ mắc các bệnh lý như bệnh mạch vành, tăng huyết áp… ngoài việc cần có lối sống lành mạnh, chăm chỉ vận động thể dục thể thao, thì chế độ ăn uống hợp lý, trong đó việc sử dụng chất béo, rất quan trọng. GS.TS.BS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: "Việc sử dụng chất béo hợp lý về số lượng (cung cấp 20 - 25% tổng năng lượng của chế độ ăn) và đảm bảo cân đối giữa chất béo nguồn động vật với chất béo nguồn thực vật có tác dụng phòng, chống rối loạn chuyển hóa lipid máu, góp phần hạn chế yếu tố nguy cơ của tình trạng đột quỵ và nguy cơ mắc phải các bệnh lý tim mạch”.

Ngoài ra, để lựa chọn mỡ và dầu ăn, người tiêu dùng nên chọn tùy theo cách chế biến, phù hợp với tình trạng bệnh lý và tình trạng cơ thể. Trước tiên, chúng ta cần cân đối tỷ lệ chất béo nguồn gốc động vật/thực vật được khuyến nghị theo từng lứa tuổi. Ở lứa tuổi trẻ em nên ăn mỡ động vật là chính, tỉ lệ mỡ động vật/dầu thực vật nên là 70/30. Trong khi đó, ở giai đoạn sau 35 tuổi là giai đoạn cơ thể đã trưởng thành tới lúc trung niên, tỉ lệ mỡ động vật/dầu thực vật là 50/50. Nhóm đối tượng này cần nhiều năng lượng học tập, làm việc, cơ thể khỏe mạnh bình thường vừa có thể dùng dầu thực vật vừa có thể bổ sung mỡ động vật như mỡ lợn. Người trên 60 tuổi, tỉ lệ mỡ động vật/dầu thực vật là 30/70. Đối với những nhóm người lớn tuổi lại có các bệnh lý chuyển hóa như béo phì, mỡ máu cao, xơ vữa động mạch, tiểu đường thì nên hạn chế ăn mỡ động vật.

Tuy nhiên, các bà nội trợ cần lưu ý bất kể lựa chọn mỡ lợn hay dầu thực vật thì cũng phải chú ý đến lượng thích hợp khi tiêu thụ, không nên ăn quá nhiều các món chiên, rán. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên lựa chọn mua mỡ lợn và dầu ăn tại các cơ sở uy tín. Dầu ăn hay mỡ lợn sau khi chiên nên đổ bỏ không chiên nhiều lần vì có thể tạo ra nhiều chất béo độc hại và các chất có nguy cơ gây ung thư.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top