Nguy cơ bệnh chồng bệnh vì nhiễm khuẩn bệnh viện

08:38 - Thứ Sáu, 27/09/2024 Lượt xem: 4551 In bài viết

Kiểm soát nhiễm khuẩn là một trong những yếu tố then chốt nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế.

Trong bối cảnh nhiều dịch bệnh như: Sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà… đang gia tăng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, nếu cơ sở y tế nào không thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ khiến dịch bệnh lây lan, người bệnh phải đối mặt với nguy cơ bệnh chồng bệnh.

Nhân viên y tế Bệnh viện trung ương Quân đội 108 hướng dẫn người bệnh các bước rửa tay phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện.

Bệnh nhẹ thành nặng…

Viêm phổi liên quan đến thở máy là một trong 4 loại nhiễm khuẩn thường gặp hàng đầu hiện nay. Tại Việt Nam, viêm phổi liên quan đến thở máy chiếm tỷ lệ nhiễm khuẩn cao nhất so với các loại nhiễm khuẩn còn lại. Tỷ lệ nhiễm khuẩn viêm phổi thở máy thay đổi tùy theo quy mô của bệnh viện, ước khoảng từ 10-20%. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, hậu quả của viêm phổi thở máy làm tăng thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh và chi phí điều trị cũng như tăng nguy cơ tử vong cho người bệnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam dẫn chứng, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, có những bệnh nhân tử vong không hoàn toàn do vi rút SARS-CoV-2 mà vì viêm phổi liên quan đến thở máy. Nhiễm khuẩn này gây ra bội nhiễm các vi khuẩn khác trong bệnh viện khiến bệnh nhân chuyển từ tình trạng nhẹ sang nặng. Vì vậy, trong bối cảnh dịch bệnh sởi diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, việc phòng, chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện là vô cùng quan trọng.

“Giống với Covid-19, bệnh sởi cũng lây truyền qua đường hô hấp, trong không khí. Nếu các cơ sở y tế không làm tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ dẫn đến những hệ lụy vô cùng nguy hiểm”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Anh Thư nhấn mạnh.

Ngoài ra, đôi bàn tay của nhân viên y tế nếu không được vệ sinh đúng cách cũng là nơi làm lan truyền những tác nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện. Bác sĩ Hứa Thị Hồng Hạnh, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Đa khoa Đức Minh) cho biết, một nghiên cứu với sự tham gia của 242 lượt nhân viên y tế của bệnh viện thực hành quy trình vệ sinh tay ngoại khoa cho thấy, có 174 lượt (chiếm 71,9%) nhân viên y tế tuân thủ đúng quy định. Vệ sinh tay là biện pháp đơn giản và hiệu quả trong việc giảm lây nhiễm chéo các tác nhân gây bệnh cho bệnh nhân. Tuy nhiên, thực trạng vệ sinh tay ngoại khoa tại nhiều cơ sở y tế ở Việt Nam chưa được tuân thủ cao. Điều đó ảnh hưởng tới nguy cơ làm tăng tỷ lệ nhiễm khuẩn.

Nhiều chuyên gia y tế cho biết thêm, các vi khuẩn gây bệnh từ bệnh nhân truyền qua tay của nhân viên y tế, làm cho bàn tay của nhân viên y tế là nguồn chứa vi khuẩn gây bệnh tiềm năng. Đặc biệt, với tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối như hiện nay, nếu mỗi nhân viên y tế không thực hiện tốt vệ sinh bàn tay thì tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện, lây chéo từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác sẽ ngày càng gia tăng nhanh chóng.

Kiểm soát nhiễm khuẩn từ những hành động nhỏ

Trước thực trạng nhiễm khuẩn bệnh viện gây ra nhiều hệ lụy cho người bệnh và hệ thống y tế, thời gian qua, lãnh đạo các bệnh viện đã đầu tư nguồn lực cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

Là đơn vị vừa nhận giải thưởng Trung tâm Tiệt khuẩn xuất sắc do Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Phan Thị Hằng cho biết, cách đây 15 năm, tỷ lệ nhiễm trùng sơ sinh tại bệnh viện khá cao, khoảng 15%. Thế nhưng, giờ đây tỷ lệ nhiễm trùng sơ sinh đã giảm xuống còn 1,5-2% nhờ bệnh viện luôn chú trọng, ưu tiên tới công tác kiểm soát nhiễm khuẩn...

Để công tác kiểm soát nhiễm khuẩn đạt hiệu quả cao, một trong những giải pháp vừa đơn giản, vừa hữu hiệu, lại tiết kiệm chi phí, đó là vệ sinh bàn tay đúng cách. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, vệ sinh tay thích hợp có thể ngăn ngừa gần 50% nhiễm khuẩn bệnh viện.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo, vệ sinh tay là biện pháp quan trọng làm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19, bệnh đậu mùa khỉ, sởi, tay chân miệng, ho gà, tiêu chảy, cúm… WHO cũng quy định 5 thời điểm cần vệ sinh tay ở mỗi lần chăm sóc bệnh nhân, gồm: Trước khi tiếp xúc bệnh nhân, trước khi làm thủ thuật vô trùng, sau khi phơi nhiễm với dịch tiết bệnh nhân, sau khi tiếp xúc với bệnh nhân và sau khi tiếp xúc với vật dụng xung quanh bệnh nhân.

Nhằm giảm thiểu tới mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm chéo và bùng phát các ổ dịch sởi, ho gà… tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị, Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các bệnh viện thực hiện tốt công tác thu dung người bệnh; điều trị kịp thời, hạn chế tối đa trường hợp chuyển nặng, tử vong. Đặc biệt, tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường hoạt động sàng lọc, phát hiện sớm và cách ly kịp thời ca nhiễm hoặc nghi nhiễm; các trường hợp nhẹ, không có biến chứng có thể hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà, trạm y tế.

 

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top