Hành trình nỗ lực đưa vắc xin về bản ở Điện Biên

15:34 - Thứ Bảy, 28/09/2024 Lượt xem: 5152 In bài viết

ĐBP - Nhiều năm qua, Điện Biên luôn là một trong những địa phương thuộc “vùng lõm” về công tác tiêm chủng của cả nước, với những kết quả không mấy khả quan. Sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thách thức này lại càng đè nặng lên vai những người làm công tác y tế, khi phải đối diện với hàng loạt nguy cơ do những khoảng trống vắc xin tạo ra. Điện Biên đang nỗ lực từng ngày để cải thiện những con số liên quan, nhằm tạo ra tấm lá chắn “miễn dịch cộng đồng”, bảo vệ người dân trước nguy cơ dịch bệnh ngày một phức tạp.  

Bài 1: Tiêm chủng mở rộng đối mặt thách thức “kép”

Từ sau đại dịch Covid-19, dịch bệnh và vắc xin trở thành câu chuyện “nóng” trong cả nước. Tại Điện Biên - nơi có tới trên 82% đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống rải rác ở các địa bàn khó khăn thì vấn đề này lại càng phức tạp. Những con số “biết nói” đang ngầm báo động về “lỗ hổng” trong xây dựng miễn dịch cộng đồng ở nhiều địa phương vùng khó.

Cảnh báo từ những con số “biết nói”

Năm 2023, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã phải đưa ra cảnh báo về sự sụt giảm đáng báo động của tỷ lệ trẻ em được tiêm vắc xin. Theo cảnh báo này, thì có khoảng 67 triệu trẻ em trên thế giới đã bỏ lỡ một phần hoặc toàn bộ các mũi tiêm vắc xin cơ bản, trong giai đoạn 2019 - 2021. Đây là con số sụt giảm lớn nhất ghi nhận trong gần 30 năm qua.

Còn theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2021 ước tính có khoảng gần 252.000 trẻ em đã bỏ lỡ một hoặc nhiều liều bạch hầu, ho gà, uốn ván (DTP) trong chương trình tiêm chủng thường xuyên; số trẻ em bỏ lỡ một hoặc nhiều liều DTP đã tăng gấp gần 4 lần so năm 2019. Tương tự, tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi liều đầu tiên giảm còn 81% vào năm 2021, cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2008. Sau đại dịch Covid-19, những hệ lụy để lại cho công tác này càng trở nên nặng nề hơn.

Không nằm ngoại lệ trong số những cảnh báo này, tại Điện Biên liên tiếp các năm 2022, 2023 kết quả tiêm chủng mở rộng đều không đạt yêu cầu, thậm chí, một số mũi tiêm, như: Sởi, DPT4... chỉ đạt ở mức thấp. Đơn cử năm 2022, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ toàn tỉnh đạt 87,3%, năm 2023 con số này sụt giảm còn 53,1%. Trong đó, nhiều địa bàn ở mức dưới 50%, như: Tủa Chùa (31,2%); Mường Nhé (40,2%), Mường Chà (40,2%); Nậm Pồ (41,6%)… Riêng vắc xin DTP mũi 4 chỉ đạt 33,9%, cá biệt có huyện giảm xuống dưới 30%…

Cán bộ Trạm Y tế xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông) tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân địa phương.

Đơn cử, tại xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ), nơi vốn được xem là “vùng lõm” về tiêm chủng, với dân số trên 6.700 người. Trung bình hiện tại có khoảng 200 trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng. Trước đây, tỷ lệ tiêm chủng bình quân ở địa phương này ở ngưỡng dưới 37%. Tuy nhiên, các kết quả thống kê trong giai đoạn từ năm 2021 - 2023 đều cho thấy, còn số này chỉ đạt trên dưới 20%. Thậm chí, nhiều trẻ ở độ tuổi từ 2 - 5 cho đến nay chưa từng được tiêm mũi tiêm nào.

Được đánh giá là địa bàn thuận lợi hơn, song kết quả tiêm chủng ở huyện Điện Biên Đông những năm vừa qua cũng không mấy khả quan. Riêng năm 2023 con số này chỉ đạt 45,4%. Tại xã Keo Lôm, thống kê từ Trạm Y tế cho thấy tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ năm 2023 sụt giảm báo động, xuống còn 28,6%.

Trẻ em tham gia tiêm chủng tại Trạm Y tế xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông.

Thách thức “kép”

Phân tích, đánh giá về những con số sụt giảm này, ông Đoàn Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) cho rằng, có 2 yếu tố quan trọng tác động, tạo nên thách thức “kép” cho công tác TCMR ở tỉnh ta. Trước tiên cần kể đến là những yếu tố mang tính đặc thù vùng miền đã tồn tại nhiều năm chưa được giải quyết triệt để, như: Trình độ dân trí hạn chế; giao thông cách trở, khó khăn; tác động của các yếu tố dân tộc, tôn giáo…

Minh chứng rõ nét nhất cho nội dung này là ở xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ). Theo Y sĩ Lò Văn Thỏa, Trạm trưởng Trạm Y tế xã lý giải, thì Trạm chỉ có 6 y, bác sĩ, nhưng có tới 11 bản; trên 95% là đồng bào dân tộc Mông, theo đạo. Việc triển khai tiêm chủng nhiều năm vốn đã rất khó khăn. “Kể từ khi dịch bệnh Covid-19, chúng tôi phải tập trung mọi nguồn lực để kiểm soát, ngăn chặn mà vẫn không thể đáp ứng yêu cầu tình hình thực tế. Do vậy, các chiến dịch tiêm chủng mở rộng bị gián đoạn, chưa kể, 1 thời gian dài thiếu hụt vắc xin, chúng tôi không có để triển khai theo như kế hoạch đặt ra” - Y sĩ Thỏa chia sẻ.

Cán bộ Trạm Y tế xã Na Cô Sa tiêm vắc xin cho trẻ tại nhà.

Trong khi vấn đề “đối nội” chưa được giải quyết triệt để, thì những khó khăn từ tình hình chung tác động càng khiến cho kết quả tiêm chủng giảm dưới mức cho phép. “Trong giai đoạn dịch bùng phát, nhiều chiến dịch tiêm chủng định kỳ đã bị trì hoãn do giãn cách xã hội, sự lo lắng của người dân khi đến các cơ sở y tế đông người và sự chuyển hướng nguồn lực y tế cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, thời điểm đó, nhu cầu tiêm vắc xin phòng Covid-19 được ưu tiên hơn, dẫn đến việc tiêm các loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm khác như sởi, ho gà, bại liệt... bị gián đoạn” - Ông Đoàn Ngọc Hùng cho hay.

Việc ưu tiên dồn lực cho công tác phòng chống dịch Covid-19 khiến cho các chương trình tiêm chủng mở rộng bị gián đoạn.

Cũng theo đại diện CDC tỉnh, kinh phí cho Chương trình tiêm chủng mở rộng hàng năm chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu. Trong khi việc huy động vốn hỗ trợ từ các nguồn lực khác còn hạn chế. Giai đoạn từ 2022 - 2023, nhiều loại vắc xin và nhiều thời điểm vắc xin không được cung ứng kịp thời, liên tiếp gián đoạn.

Ngay từ giữa năm 2022, một số loại vắc xin bị gián đoạn. Năm 2023, vắc xin DPT-VGB-Hib, DPT bị gián đoạn kéo dài (từ tháng 2). Nhờ các nguồn tài trợ, tháng 8/2023 Viện Vệ sinh dịch tễ mới cấp cho Điện Biên vắc xin 5.1, nhưng cũng chỉ đủ cho các đơn vị tiêm trong 1 tháng. Vắc xin BCG, Viêm gan B, OPV, Sởi, Sởi-Rubella và Viêm não nhật bản chỉ cung ứng đến tháng 7/2023… Kéo theo đó là không ít lo lắng, trăn trở trước những thách thức liên tiếp đặt ra cho ngành y tế, khi mà diễn biến dịch bệnh của thế giới cũng như trong nước ngày càng phức tạp…

Bài 2: “Lỗ hổng” miễn dịch cộng đồng

Hà Linh - Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top