Lâu nay, trong trường hợp khẩn cấp khi xảy ra thiên tai, bão lũ, thực phẩm đóng hộp luôn được lựa chọn là phương án tốt nhất để cứu trợ, hỗ trợ người dân vì được bao gói kín, tiện lợi và có thời hạn sử dụng lâu dài.
Tuy nhiên, khi sử dụng đồ hộp, người dân cần lưu ý kiểm tra kỹ để bảo đảm dinh dưỡng và an toàn sức khỏe.
Thực phẩm đóng hộp là sản phẩm có thể bảo quản lâu dài, có thể để được 2 năm hoặc lâu hơn theo thời hạn in trên hộp và không cần làm lạnh cho đến khi mở. Đồ hộp được nấu chín và có thể ăn ngay khi mở hộp hoặc chỉ cần hâm nóng cho có vị ngon hơn.
Tuy nhiên, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), các sản phẩm từ thịt, hải sản, rau, củ, quả lên men, đóng hộp nếu không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum và sinh độc tố botulinum. Vi khuẩn Clostridium botulinum phổ biến trong môi trường nên có thể lây nhiễm qua các khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản và sử dụng thực phẩm. Độc tố botulinum được sinh ra do vi khuẩn Clostridium botulinum trong môi trường yếm khí. Botulinum có độc lực mạnh hơn độc tố của tất cả vi khuẩn khác, người ăn có thể gặp nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Do đó, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người dân vùng lũ khi được tiếp tế thực phẩm đóng hộp, trước khi sử dụng cần kiểm tra tình trạng thực phẩm để bảo đảm không có hộp đựng nào bị gỉ sét, rò rỉ, phồng rộp, bị móp nặng hoặc hỏng niêm phong; kiểm tra nguồn gốc, hạn sử dụng. Người dân cần vứt bỏ bất kỳ thực phẩm nào không đựng trong hộp đựng chống thấm nước nếu nó có khả năng đã tiếp xúc với nước lũ. Tuyệt đối không sử dụng các thực phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.