Hành trình nỗ lực đưa vắc xin về bản ở Điện Biên (bài 4)

08:45 - Thứ Ba, 01/10/2024 Lượt xem: 4786 In bài viết

Bài 4: Miễn dịch cộng đồng - chống dịch toàn diện

ĐBP - Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, “miễn dịch cộng đồng” được ngành Y tế xác định là giải pháp chiến lược. Khi ngày càng nhiều người được tiêm vắc xin, miễn dịch cộng đồng sẽ trở thành tấm lá chắn vững chắc, giúp chặn đứng sự lây lan của bệnh dịch. Thế nhưng, đây không chỉ là vấn đề của từng cá nhân, càng không phải trách nhiệm riêng của ngành Y tế, mà đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội, với những giải pháp mang tính đồng bộ. Thực tế đang được chứng minh ở Điện Biên!

Bài 3: Vắc xin vượt núi!

Bài 2: “Lỗ hổng” miễn dịch cộng đồng

Bài 1: Tiêm chủng mở rộng đối mặt thách thức “kép”

"Chìa khóa” truyền thông

Đầu giờ sáng, hội trường tại trụ sở UBND xã Na Cô Sa đã chật kín người. Hơn 60 người gồm các trưởng bản, bí thư chi bộ bản, cán bộ MTTQ, đoàn thể cùng người dân có mặt để tham gia buổi tuyên truyền vận động tiêm chủng. Không khí cởi mở hơn khi chương trình có sự tham gia của đồng chí Nguyễn Hữu Đại, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ.

Buổi tuyên truyền diễn ra đầy ý nghĩa với những thông tin thiết thực về lợi ích của việc tiêm chủng; thông tin cần thiết về các loại vắc xin, lịch tiêm… cũng như những phát biểu, thảo luận về việc thực hiện tiêm chủng tại địa phương. Lãnh đạo UBND huyện, xã cùng cán bộ y tế đã lắng nghe và giải đáp những thắc mắc của người dân về tiêm chủng và các bệnh truyền nhiễm đang có nguy cơ bùng phát. Nhận được sự quan tâm trực tiếp của lãnh đạo huyện, nhiều người dân bày tỏ sự phấn khởi và cam kết trong lần tới đây sẽ đưa con mình đi tiêm.

Buổi tuyên truyền vận động tiêm chủng tại trụ sở xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ).

Ở Nậm Pồ, những buổi truyền thông như thế này không phải chuyện hiếm. Hàng tháng, trước mỗi đợt tiêm luôn là một chiến dịch truyền thông đi tiền trạm. Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ Nguyễn Hữu Đại chia sẻ: “Mặc dù là miễn phí, nhưng không phải bà con nào cũng hiểu được tầm quan trọng của những mũi tiêm. Hoặc nếu có nghe, có hiểu thì không phải lúc nào họ cũng sẵn sàng đưa con em mình đến. Họ thường đưa ra rất nhiều lý do để biện minh cho mình. Chính vì thế, những buổi truyền thông như thế này là hết sức cần thiết và phải được thực hiện thường xuyên, liên tục theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Không chỉ giúp người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của tiêm chủng mà thông qua đó còn khẳng định quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc triển khai công tác tiêm chủng”.

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác này, UBND xã Na Cô Sa còn phân công từng cán bộ phụ trách tiêm chủng tại từng bản cụ thể. Những cán bộ này sẽ phối hợp với đội ngũ y tế trong việc triển khai hoạt động tiêm chủng và công tác tuyên truyền. Trước mỗi đợt tiêm chủng, các lực lượng, gồm: Cán bộ trạm y tế xã, nhân viên y tế bản và cán bộ xã sẽ đến từng hộ dân để cung cấp thông tin chi tiết về lịch tiêm chủng và lợi ích của việc tiêm vắc xin cho trẻ em. Bằng cách tận dụng việc gặp gỡ trực tiếp, các thành viên trong đoàn đã giải đáp thắc mắc của người dân, đồng thời khuyến khích họ đưa trẻ đến tiêm chủng đầy đủ.

Còn tại xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông), nhiều nhóm zalo liên quan đến tiêm chủng được Trạm Y tế lập lên, với sự tham gia không chỉ của cán bộ trạm, mà đầy đủ các lực lượng. Mỗi lần cập nhật một trường hợp mới liên quan, cán bộ y tế lại hướng dẫn cài đặt và add số điện thoại thêm bà con vào nhóm. Có những nhóm zalo ban đầu chỉ có vài thành viên, đều là cán bộ và lực lượng cốt cán ở bản (bí thư, trưởng bản, nhân viên y tế bản, cộng tác viên dân số…), sau lớn dần tới hàng chục, hàng trăm người.

“Không phải người dân nào cũng có điện thoại thông minh để dùng zalo, nhưng về cơ bản thì gần như gia đình nào cũng có. Hoặc trong 1 nhóm dân cư gần nhau, chúng tôi sẽ cố gắng kết nối được với 1 người để đưa vào trong nhóm. Dựa trên các nhóm này, chúng tôi liên tục cập nhật thông tin về lịch tiêm, các chiến dịch tiêm chủng mới, ý nghĩa của vắc xin, thông điệp, lời kêu gọi… và nhắc nhở, hỏi thăm, nắm bắt lý do các trường hợp chưa đi tiêm để có hướng tiêm vét, tiêm bù” - Cử nhân Y tế cộng đồng Trương Thị Lan Anh, Trạm trưởng Trạm Y tế Keo Lôm chia sẻ.

Trạm trưởng Trạm Y tế Keo Lôm Trương Thị Lan Anh hướng dẫn người dân tham gia nhóm zalo tiêm chủng.

“Mở cửa” lòng dân

Định kỳ hàng tháng, khi nhận thông báo về lịch tiêm chủng trên nhóm zalo, anh Vừ A Minh, bản Tìa Gếnh B, xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông) lại rà soát trên danh sách để tìm tên con mình. Trong đợt tiêm tháng 9 vừa qua, cả 2 con trai của anh đều đến lịch. Đúng ngày hẹn, anh tất bật chuẩn bị cho con đi từ sớm. Lý giải việc vì sao không để vợ đưa đi, anh bảo: “Đáng lẽ là thế, nhưng vợ mình và nhiều phụ nữ ở bản không biết đi xe, cũng không thành thạo tiếng phổ thông hay dùng công nghệ, nên đàn ông như mình tham gia nhóm, rồi trực tiếp đưa con đi tiêm cũng nhiều lắm”.

Con trai anh Vừ A Minh, bản Tìa Gếnh B được cán bộ y tế xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông) khám sức khỏe khi đến tiêm chủng tại trạm.

Sự tiến bộ về nhận thức của anh Minh không phải tự nhiên mà có. Trước đây, anh cũng từng kiên quyết không cho con tiêm, vì suy nghĩ đơn giản “mình chưa từng có mũi tiêm nào vào người mà vẫn lớn khỏe bình thường”. Rồi nhiều lo ngại “truyền mồm” rằng tiêm về trẻ bị đau, sốt, ốm, quấy khóc, người lớn chẳng thể làm gì… Nhiều lần được nghe cán bộ y tế xã, rồi nhân viên y tế bản tuyên truyền, thông tin về hàng loạt loại dịch bệnh hoành hành trong những năm gần đây, thậm chí đã cướp đi sinh mạng của nhiều đứa trẻ, anh Minh thấy sợ. Những kiến thức đầy đủ về lợi ích của tiêm chủng trong việc tạo hệ miễn dịch tốt, hàng rào bảo vệ bệnh tật cho con người đã giúp anh thay đổi hoàn toàn nhận thức.

“Tôi cho con đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Khi về bản tôi còn trò chuyện, kể lại với những phụ huynh khác có con tầm tuổi 2 đứa nhà tôi về quá trình tiêm, con được cán bộ y tế thăm khám sức khỏe trước tiêm và tư vấn sau tiêm. Tôi cũng nói với họ về quá trình theo dõi và chăm sóc con sau tiêm tại nhà. Nhiều người dân trong bản nghe tôi nói vậy cũng bớt lo ngại và thấy tin tưởng hơn nên cũng cho con tiêm chủng” - Anh Minh bộc bạch.

Bên cạnh việc đề cao các chiến dịch truyền thông, nhiều địa phương trong tỉnh cũng thể hiện sự quyết tâm trong triển khai công tác tiêm chủng thông qua việc phối hợp tổ chức hiệu quả tiêm ngoại trạm, thường xuyên có các buổi gặp gỡ giữa chính quyền và người dân… Từ sự chung tay của chính quyền địa phương, những con số liên quan đến tiêm chủng tại các huyện, thị, thành phố đã dần cải thiện và đạt yêu cầu đề ra. Một số huyện thậm chí vượt chỉ tiêu trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, như: Huyện Điện Biên, Tuần Giáo, thị xã Mường Lay. Đây là tín hiệu tích cực không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe cho trẻ em mà còn giúp xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh và an toàn.

Tại tỉnh Điện Biên, công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai từ năm 1985. Giai đoạn đầu, mới chỉ diễn ra ở một số địa bàn thuận lợi, chủ yếu là vùng thấp, giao thông thuận tiện. Sau đó, với mục tiêu nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, hoạt động này từng bước được mở rộng trên phạm vi toàn tỉnh.

Biểu thống kê: Kết quả tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi trong 8 tháng đầu năm 2024.

Nhớ lại thời gian đầu đầy gian khó, ông Lò Xuân Luyện, nguyên Giám đốc Sở Y tế không khỏi xúc động. “Địa bàn rộng, phương tiện vận chuyển, bảo quản vắc xin đều rất thiếu; cán bộ y tế chưa có kinh nghiệm; chính quyền, đoàn thể coi đó là nhiệm vụ của riêng ngành y tế; các loại bệnh dịch như sốt rét, ho gà, sởi, bệnh đường tiêu hóa, các bệnh về mắt, bệnh phong... lưu hành phổ biến. Nhưng khó khăn nhất là nhận thức của người dân về tiêm chủng phòng bệnh vô cùng hạn chế, tập quán và những hủ tục còn tồn tại. Vì vậy, những năm đầu mới triển khai, tỷ lệ tiêm chủng rất thấp. Để có được kết quả như ngày hôm nay là những nỗ lực vô cùng lớn của cả hệ thống chính trị, mà trong đó y tế là lực lượng nòng cốt” - Ông Luyện nói.

Cán bộ Trạm y tế xã Na Cô Sa phối hợp với cán bộ MTTQ xã tuyên truyền, vận động tiêm chủng tại hộ gia đình.

Vượt khó khăn thách thức, từ vùng sâu cho đến vùng xa, trên mọi nẻo đường rừng núi đã in đậm dấu chân, thấm đẫm mồ hôi, sự nỗ lực cố gắng để đưa vắc xin đến từng thôn, bản, đến với người dân. Mỗi liều vắc xin được đưa đến bản thành công là cả sự nỗ lực rất lớn. Song trên hết, đã tạo dựng thêm được tấm “lá chắn” miễn dịch cộng đồng vững chắc, phủ lấp dần những khoảng trống về vắc xin ở “vùng lõm”. Mang theo niềm tin và ý nghĩa đó, đều đặn mỗi tháng những “chiến dịch” đưa vắc xin về bản lại âm thầm, bền bỉ diễn ra khắp các địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa…

Hà Linh - Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top