Trong thời điểm giao mùa, trẻ nhỏ dễ bị cảm cúm, nhiều phụ huynh thường chủ quan cho rằng đây là căn bệnh thông thường có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, phụ huynh dễ bỏ qua một số bệnh nguy hiểm khác cũng có triệu chứng tương tự cảm cúm.
Cảnh giác bệnh cảm cúm kéo dài ở trẻ em
Cảm cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do các virus cúm gây ra. Bệnh dễ lây lan thành dịch mỗi khi giao mùa, thời tiết chuyển lạnh hoặc chuyển nóng thất thường. Bệnh cúm thường có tốc độ lây lan khá nhanh, do người bệnh hít phải không khí có chứa virus cúm. Trẻ nhỏ rất dễ mắc căn bệnh này do ảnh hưởng thời tiết. Khi mắc cảm cúm, người bệnh có một số triệu chứng cơ bản như nhức đầu, ho sốt, ngạt mũi, rát họng...
Trẻ em khi có dấu hiệu ho khan, rát họng thường quấy khóc, bỏ ăn, cơ thể mệt mỏi... Với những triệu chứng thông thường, cơ thể sẽ mệt mỏi khoảng 3 - 4 ngày và tự hết trong vòng 7 - 10 ngày. Cũng bởi thế, nhiều phụ huynh thường chủ quan cho rằng đây là bệnh “vặt”, trẻ có thể tự khỏi mà không cần điều trị.
Thực tế, cảm cúm ở trẻ em có thể diễn tiến nặng và nguy hiểm hơn ở người lớn. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ từ dưới 12 tuần tuổi khi xuất hiện những biểu hiện bất thường sau thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và xử lý kịp thời: Thân nhiệt vượt quá 38oC, sốt kéo dài không giảm, sốt liên tục; trẻ thở khò khè, khó thở, đau tai.
Trường hợp bệnh cảm cúm kéo dài mãi không khỏi, triệu chứng cúm dần nghiêm trọng, người bệnh cần chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán đúng bệnh và thực hiện điều trị theo đúng chỉ định.
Không chỉ riêng trẻ nhỏ, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế khi người bị cảm cúm có những triệu chứng nghiêm trọng kéo dài thì cần phải uống thuốc và chữa trị tích cực, nếu không có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm như gây ra viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, viêm phế quản cấp, viêm phế quản mãn tính, viêm phổi, viêm cầu thận cấp tính, viêm tai giữa, viêm xoang...
Dễ nhầm lẫn với các bệnh lý nguy hiểm
Gần đây, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận điều trị một số trường hợp trẻ nhỏ có triệu chứng đau đầu, ho sốt tương tự như cảm cúm tuy nhiên sau khi thực hiện các xét nghiệm kết quả trẻ bị mắc viêm cơ tim. Trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng giống các bệnh lý thông thường khác như mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt, ho... Do triệu chứng khởi phát bệnh khá giống sốt, cảm cúm thông thường nên nhiều phụ huynh chủ quan, đến khi trẻ nhập viện thì đã trong tình trạng nguy hiểm tính mạng.
TS.BS Lê Hồng Quang, Trưởng khoa Nội Tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Trong một số trường hợp nhập viện có bé P. (8 tuổi, Nghệ An) có các triệu chứng khởi phát của bệnh là khó thở, tức ngực. Người nhà bệnh nhi cho biết bé vốn khỏe mạnh, hiếu động, không có tiền sử mắc các bệnh về tim mạch trước đó. Sau cơn tức ngực khiến bé khó thở, gia đình vô cùng lo lắng vội đưa bé vào bệnh viện tỉnh và được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Rất may bé chỉ mắc viêm cơ tim thể nhẹ và được cấp cứu kịp thời.
Tuy nhiên, một số trường hợp viêm cơ tim nguy kịch ở trẻ, gia đình nhầm tưởng là bệnh lý thông thường nên đến khi được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám, trẻ đã rơi vào tình trạng mệt mỏi, môi tái, bác sĩ chỉ định lắp monitor theo dõi và siêu âm tim thì nhận thấy chức năng tim bất thường. Bệnh nhi phải điều trị ECMO, kết hợp các thuốc chống loạn nhịp, thuốc vận mạch, thuốc trợ tim...
Các triệu chứng viêm cơ tim ở trẻ em đa dạng, không đặc hiệu nên rất dễ xảy ra tình trạng chẩn đoán nhầm. Các bác sĩ khuyến cáo, ngoài các biểu hiện lâm sàng ho, sốt, đau bụng, nôn... nếu trẻ có kèm theo các triệu chứng khác như thở nhanh, đau ngực, khó thở, nhịp tim nhanh, môi và da tái... thì gia đình cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Nếu có nghi ngờ, bệnh nhi cần được thực hiện các thăm dò cận lâm sàng như chụp X-quang ngực, điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm men tim, chụp MRI tim... để có chẩn đoán xác định.
Để phòng ngừa, hạn chế nguy cơ xảy ra tình trạng viêm cơ tim cấp ở trẻ, các bác sĩ khuyến cáo bố mẹ cần cho trẻ ăn uống khoa học, đủ dinh dưỡng và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng; thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, đặc biệt là các mũi phòng bạch hầu, cúm, quai bị, Rubella...