Kháng thuốc đang trở thành "thảm họa ngầm" ở Việt Nam

09:54 - Thứ Ba, 22/10/2024 Lượt xem: 3301 In bài viết

Tình trạng mua bán thuốc không kê đơn xảy ra phổ biến ở Việt Nam, kể cả các loại thuốc kê đơn, thuốc kháng sinh. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc đang trở thành thảm họa ngầm ở Việt Nam.

Gia tăng người bị kháng thuốc

Chia sẻ tại Hội thảo “Phát triển thị trường dược phẩm trong nước – Giải pháp từ chuyển đổi số” do Báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 19/10, ông Nguyễn Hữu Trọng, Tổng thư ký Hội Tin học Y tế Việt Nam cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã và đang cảnh báo Việt Nam về tình trạng kháng thuốc. Đây là thảm họa toàn cầu và nguyên nhân chính do sử dụng thuốc tùy tiện không có đơn thuốc.

Tại Việt Nam, do sử dụng thuốc tùy tiện, nhiều bệnh nhi khi vào viện phải sử dụng các loại kháng kháng sinh nhóm 3-4 mới khỏi bệnh. Có gia đình tự mua tới 11 loại thuốc về chữa ho cho con, khiến trẻ phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo ông Trọng là do mua thuốc không kê đơn quá dễ dàng. Thực tế việc sử dụng đơn thuốc giấy khiến các cơ quan chức năng không thể quản lý được bán thuốc theo đơn.

Ông Nguyễn Hữu Trọng, Tổng thư ký Hội Tin học Y tế Việt Nam cho rằng, việc xây dựng hệ thống bán thuốc và quản lý đơn thuốc theo đơn quốc gia là cần thiết.

Dược sỹ tại các cơ sở bán lẻ thuốc tự bán thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc và họ cũng không có thẩm quyền kê đơn thuốc. Còn người dân chủ động tự mua thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc và chỉ mua thuốc, uống thuốc bằng kinh nghiệm hoặc bằng đơn của người khác và không quan tâm tới các yếu tố quan trọng trong việc sử dụng thuốc (ví dụ cân nặng, tuổi...).

Ông Trọng nhấn mạnh, đơn thuốc giấy không xác minh được đơn thuốc có đúng không, cũng không thể xác nhận được trạng thái đơn, dẫn đến tình trạng người dân sử dụng đơn thuốc nhiều lần, cơ sở bán lẻ bán thuốc nhiều lần cùng một đơn. 

Đại diện Hội Tin học Y tế Việt Nam cho rằng, việc xây dựng hệ thống bán thuốc và quản lý đơn thuốc theo đơn quốc gia là cần thiết, giúp đảm bảo minh bạch đơn thuốc, giúp người dân sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, tránh "đại dịch kháng thuốc" đang là hiểm họa toàn cầu.

Cần siết chặt và giám sát việc bán thuốc theo đơn.

Hiện nay, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống đơn thuốc quốc gia giúp việc quản lý đơn thuốc minh bạch, rõ ràng. Hệ thống có đầy đủ mã cơ sở khám chữa bệnh, mã bác sĩ, mã đơn thuốc. Những dữ liệu này được liên thông, tập trung trên hệ thống quản lý thuốc kê đơn.

Để quản lý được, ông Nguyễn Hữu Trọng cho rằng, cần phải giám sát việc bán thuốc điện tử theo quy định, đồng thời tuyên truyền người dân mua thuốc theo đơn. Chính phủ cần ban hành hoặc sửa đổi bổ sung các chế tài xử phạt đủ để cơ sở khám chữa bệnh và bán thuốc phải thực hiện.

Bán thuốc online, kê khai giá để quản lý giá thuốc

Theo đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), tại Việt Nam, việc mua thuốc phải được thực hiện trực tiếp tại địa điểm đã được cấp phép, đủ điều kiện kinh doanh về dược, chưa có quy định mua bán thuốc online. Bộ Y tế đề xuất đưa vào quy định liên quan đến phương thức kinh doanh thương mại điện tử. Đây là hình thức kinh doanh song song với bán hàng trực tiếp và phải tuân thủ những quy định nhất định.

Theo ông Chu Đăng Trung, Trưởng Phòng Pháp chế hội nhập, Cục quản lý Dược, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược 2016 bổ sung một số loại hình và phương thức kinh doanh mới như cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc. 

Việc kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử song song với kinh doanh truyền thống sẽ được thực hiện qua các sàn giao dịch thương mại điện tử; website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến; ứng dụng thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.

Điểm mới này phù hợp với xu thế hội nhập, phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới. Dự thảo cũng giới hạn những loại thuốc kê đơn, thuốc hạn chế bán lẻ thuộc nhóm không được bán online, mà chỉ được bán online thuốc thuộc danh mục không kê đơn.

Các đại biểu tham gia thảo luận.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Trọng cho rằng hoàn toàn có thể triển khai việc bán thuốc trên sàn thương mại điện tử một cách hợp lệ, vấn đề là quy trình ra sao, nhà cung cấp nào có thể được bán thuốc kê đơn trên đó.

Ngoài ra, một trong những điểm nhấn của dự thảo Luật Dược sửa đổi lần này là quản lý chặt chẽ giá thuốc nhằm bình ổn thị trường thuốc theo quy định của Luật Giá 2023 và đảm bảo tính đặc thù của Luật Dược. 

Trong dự thảo Luật Dược sửa đổi vẫn sẽ giữ nguyên quy định về "kê khai giá thuốc trước khi lưu hành", đổi thuật ngữ "kê khai giá" thành "công bố giá". 

Theo TS.BS Trần Thị Nhị Hà, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, thuốc là mặt hàng rất đặc biệt, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của người dân. Quản lý giá thuốc là vấn đề cực kỳ khó khăn và nội dung rất lớn của dự Luật. Đồng thời đây cũng là vấn đề được dư luận, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất nóng lòng chờ đợi. 

Về kê khai giá theo dự thảo sẽ được thực hiện với doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ. Nội dung này sẽ giao cho UBND tỉnh, TP trên địa bàn tiếp nhận kê khai và không có rà soát. Bà Hà dẫn chứng, ở Hà Nội có gần 10.000 cơ sở bán lẻ, gần 1.000 cơ sở bán buôn và với TP Hồ Chí Minh sẽ nhiều hơn nữa. Đây là khối lượng công việc nặng nề với các TP lớn khi số lượng cơ sở cần tiếp nhận kê khai. 

Bà Hà cũng chỉ rõ, trước đây với bán lẻ thuốc (nhà thuốc) không có khái niệm kê khai giá bán lẻ nhưng trong dự Luật mới sẽ phải kê khai giá bán lẻ với cơ quan quản lý trên địa bàn và niêm yết giá trên sản phẩm. Đây là thủ tục hành chính rất vất vả.

“Vì vậy, với chức năng quản lý nhà nước về giá thuốc, Bộ Y tế cần có biện pháp quản lý giá thực sự chặt chẽ, hiệu quả, tránh các thủ tục hành chính mà cuối cùng không quản lý được”, bà Hà nêu.

Trước những ý kiến nêu trên, ông Chu Đăng Trung cho biết, hiện Bộ Y tế đang được giao nhiệm vụ xây dựng danh mục thuốc kê khai giá, đồng bộ, thống nhất trên cả nước chứ không phải các UBND tỉnh phải làm. UBND tỉnh chỉ thực hiện việc đề xuất cơ sở nào phải kê khai, căn cứ trên mô hình, quản lý tại địa phương.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top