Trào lưu độc, lạ, quái dị trên mạng xã hội:

Vô bổ và nguy hiểm

08:48 - Thứ Năm, 24/10/2024 Lượt xem: 3423 In bài viết

Gần đây, trên mạng xã hội TikTok xuất hiện một số trào lưu độc, lạ, quái dị, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sự an toàn cũng như tâm lý cho người tham gia.

Đó là trò chơi mạo hiểm như “bắt pen”, hít dầu gió, hít áo… đến các món ẩm thực khác thường như uống trà sữa hành lá, trà sữa mắm tôm, mì tôm trà sữa… Mặc dù các cơ quan y tế, bác sĩ tâm lý đã cảnh báo hậu quả nhưng những trào lưu nguy hại này vẫn thu hút giới trẻ.

Trò chơi “bắt pen” có thể gây loạn nhịp tim và nguy cơ đột quỵ cao.

Từ thử thách ăn uống độc, lạ...

Từ mạng xã hội TikTok ra đến đời thường, trào lưu (trend) độc lạ về ẩm thực luôn dẫn đầu về khả năng thu hút nhiều người trẻ tham gia. Các món trà sữa mắm tôm, trà sữa trứng vịt lộn, trà sữa hành lá, mì trà sữa trân châu… đã tạo nên "cơn sốt" về thử thách ăn uống. Giới trẻ rất háo hức để thử thách nếm trải những món ăn độc lạ này. Không ít người hồ hởi ra mặt vì đã "bắt trend” thành công.

Điển hình, món trà sữa hành lá bán ở một quán trà ở quận 10 thành phố Hồ Chí Minh có giá 49.000 đồng thu hút nhiều bạn trẻ. Từ một số học sinh lớp 5, lớp 6 đến sinh viên đại học đều tìm cách "bắt trend”, thách đố nhau thử nghiệm loại đồ uống này. Nhiều bạn trẻ xếp hàng để được trải nghiệm... Thế nhưng, chỉ sau 1 ngày, món đồ uống trên đã được chủ quán gỡ bỏ trong thực đơn do phản hồi không tích cực từ khách hàng.

Tuy nhiên, ở nhiều kênh TikTok khác, các món trà sữa mắm tôm, trà sữa trứng vịt lộn, mì trà sữa trân châu, trà sữa ớt, trà chanh móng heo, trà xanh mắm tôm… tiếp tục được đăng tải, thu hút hàng nghìn lượt xem. Các bạn trẻ tương tác nhiệt tình và thách đố nhau trải nghiệm.

Trên tài khoản của mình, TikToker Châu Khang đăng đoạn phim ghi lại hình ảnh chế biến và thưởng thức món ăn độc lạ: Trộn các nguyên liệu thịt băm, móng lợn cùng trà sữa, sau đó đun chín bằng lò vi sóng trong 2 phút. Dưới bài đăng, có nhiều bình luận của các bạn trẻ tỏ ra thích thú với món ăn được cho là đầy sáng tạo này và cho rằng phải thưởng thức để thỏa trí tò mò...

... đến các hành động mạo hiểm

Không chỉ thử thách bằng các món ăn độc, lạ, sáng tạo kiểu có một không hai, thời gian gần đây xuất hiện một số trào lưu mới nguy hiểm, trong đó có trò "bắt pen" đã dậy sóng cộng đồng mạng. Trong trò này, một người dùng hai tay ấn mạnh vào vùng cổ người đối diện khiến họ ngất lịm. Sau nhiều cảnh báo về trò chơi độc hại này, tài khoản anhducle.09 vẫn đăng đoạn phim hai học sinh đang thực hành “bắt pen” cùng những điệu cười sảng khoái. Sau khi tỉnh lại, nam sinh tả lại cảm giác "phê" và đề nghị mọi người nên thử. Tài khoản “chấm hết” cũng đăng đoạn phim về một nam học sinh dùng hai tay ấn mạnh vào vùng cổ bạn khiến người bạn bất tỉnh. Chỉ sau khi bị tát mạnh vào mặt thì người bị ngất mới tỉnh táo trở lại. Điều kỳ lạ là phía dưới các đoạn phim này xuất hiện hàng nghìn bình luận cổ xúy cho trò chơi này.

Ngay sau trend “bắt pen”, cộng đồng mạng TikTok lại đua nhau đăng trào lưu hít dầu gió. Tại tài khoản Vux_Đạt, Cbao nee, đoạn phim một học sinh hít dầu gió đã thu hút hơn 70.000 lượt xem, hàng nghìn bình luận miêu tả cảm giác lạ. Tại tài khoản Konleo08 có đoạn phim hai học sinh đổ một lượng lớn dầu gió vào tay rồi hít liên tục, thu hút gần 60.000 lượt xem và hơn 2.000 bình luận...

Từ những trào lưu quái gở như trên, vấn đề lớn nhất là nhiều bạn trẻ không ý thức được mức độ nguy hiểm từ những hành động đó. Liên quan đến trò chơi “bắt pen”, bác sĩ Đào Huy Hiếu, chuyên ngành Phẫu thuật tim mạch (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cảnh báo, đây là việc làm hết sức nguy hiểm. Theo bác sĩ, não bộ được cấp máu từ hai nguồn chính là hai động mạch cảnh ở hai bên cổ, gần vị trí xoang cảnh nên nếu day và kích thích nhiều vào vị trí này có thể gây loạn nhịp tim, nếu ấn mạnh và giữ có thể gây thiếu máu lên não. Nhẹ thì ý thức lơ mơ, nặng thì đột quỵ, thậm chí nếu giữ lâu có thể gây tử vong. Đối với trò hít dầu gió, tưởng chừng như vô hại nhưng nếu hít lượng nhiều và liên tục sẽ gây khô niêm mạc, tổn thương khoang mũi dẫn đến khó thở, tăng huyết áp, chóng mặt...

PGS.TS Bùi Thị An (nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII) đánh giá, các hành động trên đều thiếu chuẩn mực, đáng báo động. Do đó, ngoài việc tăng cường quản lý mạng xã hội, gia đình và nhà trường cần vào cuộc để ngăn chặn. Thay vì trách mắng, kiểm soát, cần hướng con em vào những việc bổ ích, có ý nghĩa, không nên đua đòi theo các "trend" nguy hại.

Tạo "trend" để tăng tương tác, nhằm phát triển kinh doanh là hoạt động sáng tạo. Tuy nhiên, việc tạo nên những trào lưu độc, lạ và có phần lệch chuẩn trên các nền tảng mạng xã hội sẽ khiến ranh giới giữa sáng tạo và thảm họa gần nhau hơn. Do vậy, những người sáng tạo nội dung, thay vì tập trung tạo "trend" gây hiệu ứng xấu, cần tạo ra những sản phẩm tích cực, có giá trị. Gia đình, nhà trường cũng cần quan tâm, hướng dẫn giới trẻ vào những hoạt động bổ ích, hình thành nhân sinh quan chuẩn mực về cuộc sống.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top