Vì sức khỏe cộng đồng:

Mối nguy từ thực phẩm bị nấm mốc

08:22 - Thứ Hai, 28/10/2024 Lượt xem: 3364 In bài viết

Khí hậu nước ta nắng nóng, mưa nhiều, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để cho các loại nấm mốc phát triển. Trong đó, nhiều loài nấm mốc có thể sản sinh ra độc tố, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Thực phẩm bị nấm mốc, đặc biệt là các loại hạt ngũ cốc, không chỉ gây ngộ độc mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về công nghệ thực phẩm, thông tin, các loại thực phẩm đều dễ bị nấm mốc. Trong đó, có tới 40% nấm mốc tạo ra nhiều độc tố. Những độc tố này đều là tác nhân gây bệnh tật cho con người. Các độc tố từ nấm mốc có thể tích tụ lâu dài trong cơ thể gây ra nhiều bệnh tật khác như ung thư, suy thận. Đặc biệt, đối với các loại hạt bị nấm mốc như lạc, đỗ, gạo, ngô..., một trong các độc tố vi nấm nguy hiểm được sản sinh ra là Alfatoxin. Loại độc tố này không chỉ gây ngộ độc cấp tính mà còn tích lũy dần dần trong cơ thể và gây ra bệnh ung thư gan.

Hiện nay, nhiều người vẫn còn thói quen, rửa bỏ nấm mốc trên thực phẩm rồi sử dụng. Điển hình như gạo, lạc, ngô, đậu hoặc ngay cả bánh nhiều người cũng sử dụng khi đã bị nấm mốc.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh khẳng định, rửa chỉ làm trôi đi nấm mốc bên ngoài còn bên trong những thực phẩm đã bị ẩm, sản sinh nấm, chất độc, khi sử dụng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đặc biệt, vì độc tố nấm mốc rất bền với nhiệt nên nấu chín cũng không loại bỏ được. Do vậy, khi thực phẩm đã bị nấm mốc, người dân tuyệt đối không sử dụng để tránh nguy hại tới sức khỏe.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top