Vướng mắc trong quản lý thực phẩm chức năng

14:19 - Thứ Ba, 19/11/2024 Lượt xem: 1000 In bài viết

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, vướng mắc nhất hiện nay là những vấn đề liên quan đến quảng cáo trên internet.

Các thông tin cảnh báo về vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng được đăng tải công khai trên website của Cục An toàn thực phẩm - Ảnh: VGP/HM

 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay đã cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, vướng mắc nhất là những vấn đề liên quan đến quảng cáo trên internet, mạng xã hội, trong đó có những trang mạng, may chủ đặt tại nước ngoài nên rất khó xử lý vi phạm.

Nguyên nhân của những vi phạm về quảng cáo gây hiểu nhầm thực phẩm chức năng là thuốc, thậm chí ảnh hưởng sức khoẻ của người tiêu dùng do sử dụng thực phẩm chức năng giả, chất lượng kém…, lãnh đạo Bộ Y tế lý giải, do sản xuất hàng giả đem nhiều lợi nhuận nên các nhãn hàng lợi dụng việc thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để thổi phồng giá trị của các sản phẩm. Ngoài ra, còn có hiện tượng buôn bán các thực phẩm chức năng giả qua biên giới.

Bộ trưởng cho rằng, để lấp "lỗ hổng" này, các doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng theo quy định của Bộ Y tế sẽ được cấp giấy đủ điều kiện và được niêm yết tên trên website của Cục An toàn thực phẩm. Người tiêu có thể tra cứu được các mặt hàng, các doanh nghiệp sản xuất theo đúng quy định.

Hiện nay, cả nước có khoảng 201 doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng theo quy định của Bộ Y tế.

Đối với các cá nhân có hành vi vi phạm, Bộ Y tế cũng có những cảnh báo và phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan xử lý vi phạm. Bộ đang đề xuất áp dụng các biện pháp cấm xuất cảnh đối với những trường hợp vi phạm để có cơ sở tiến hành các biện pháp tiếp theo.

Bộ trưởng cũng thừa nhận, vướng mắc nhất hiện nay trong quản lý thực phẩm chức năng là những vấn đề liên quan đến quảng cáo trên internet, mạng xã hội. Trong đó, có những trang mạng, máy chủ đặt tại nước ngoài nên rất khó xử lý, thậm chí họ có cả hệ thống công nghệ thông tin hiện đại nên việc truy cập cũng như tìm hiểu nguồn gốc là khó khăn rất lớn.

Dấu hiệu nhận biết quảng cáo 'sản phẩm dởm'

Bộ trưởng khuyến cáo người dân, trường hợp mắc bệnh thì cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời theo phác đồ của thầy thuốc.

Nếu sử dụng thực phẩm chức năng, người dân cần đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: "Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; khuyến cáo đối tượng sử dụng, đối tượng không nên sử dụng.

Người tiêu dùng cũng cần xem rõ về thành phần, tác dụng, liều dùng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe; đồng thời chọn mua các sản phẩm có ghi tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất rõ ràng.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân, khi xem các quảng cáo trên mạng xã hội cần lưu ý phân biệt các dấu hiệu vi phạm trong quảng cáo, ví dụ uống thực phẩm bảo vệ sức khỏe sau đó sẽ khỏi bệnh, có hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế giới thiệu về sản phẩm, không có dòng chữ "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"… đều là các quảng cáo vi phạm.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế thường xuyên đăng tải các thông tin cảnh báo và thông tin xử lý vi phạm hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng để người tiêu dùng biết và không mua.

Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường

Hiện nay, theo quy định của pháp luật, thực phẩm chức năng đang được quản lý theo cơ chế hậu kiểm. Tức là, tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, đăng ký kinh doanh, tiến hành công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Y tế hoặc Sở Y tế.

Tùy loại sản phẩm, cơ quan quản lý sẽ tiến hành hậu kiểm và xử lý, xử phạt các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo quy định pháp luật về thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hiện, Bộ Công Thương cũng đang trình Chính phủ ban hành các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Trong đó, có các quy định bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; có định nghĩa liên quan tới hàng nhập lậu.

Đối với các sản phẩm bán trên website hoặc trên trang thương mại điện tử, tổ chức hội thảo để lừa dối người tiêu dùng, đặc biệt là người cao tuổi, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, nội dung này sẽ cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thực phẩm chức năng theo hướng quy định chặt chẽ hơn các điều kiện kinh doanh, cũng như tăng các mức xử phạt đối với hành vi vi phạm.

Theo Chinhphu.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top