ĐBP - Sau hơn 9 năm thực hiện chủ trương bổ sung chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cấp huyện, đến nay đa số chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt vai trò của chính quyền trong việc chỉ đạo, quản lý và triển khai chính sách tín dụng ưu đãi ở cơ sở.
Năm 2020, anh Lê Ngọc Hoàn, Chủ tịch UBND xã Pom Lót, huyện Điện Biên tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Điện Biên. Đảm nhận thêm trách nhiệm mới, hàng tháng, anh Hoàn đều theo dõi sát sao hoạt động của phiên giao dịch cố định tại xã. Thông qua việc giao ban hàng tháng với NHCSXH ngay tại xã, anh Hoàn nắm bắt được diễn biến hoạt động tín dụng và kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh, hỗ trợ tổ vay vốn và tiết kiệm thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách.
Anh Lê Ngọc Hoàn cho biết: “Trước đây, việc đôn đốc thu hồi nợ quá hạn gặp không ít khó khăn, do một số hộ vay thiếu ý thức trong trả nợ, hoặc hộ vay đi khỏi địa phương. Khi được bổ sung vào thành viên Ban đại diện HĐQT huyện, tôi đã trực tiếp chỉ đạo các hội, đoàn thể nhận ủy thác và các tổ tiết kiệm, vay vốn đôn đốc, thu hồi nợ; tuyên truyền, vận động cũng như động viên kịp thời những hộ có ý thức chấp hành và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Đồng thời cương quyết xử lý đối với những hộ có tư tưởng chây ỳ, trốn tránh trả nợ bằng các biện pháp như: mời lên UBND xã làm việc, yêu cầu hộ vay cam kết trả nợ đúng thời hạn; đối với hộ vay bỏ đi khỏi địa phương, xã liên hệ nhờ địa phương nơi cư trú hộ vay chuyển đến phối hợp đôn đốc trả nợ. Vì vậy kết quả thu nợ, đặc biệt là thu hồi nợ quá hạn của xã đã đem lại hiệu quả tích cực”.
Theo thống kê của NHCSXH huyện Điện Biên, hiện nay tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi đang triển khai trên địa bàn xã Pom Lót đạt trên 40 tỷ đồng, trong đó, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,17% tổng dư nợ.
Tại huyện Mường Ảng, riêng 6 tháng đầu năm 2024 đã có hơn 3.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH huyện để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, phục vụ an sinh xã hội. Tính đến hết tháng 6/2024, tổng dư nợ chương trình tín dụng chính sách đạt trên 519 tỷ đồng, tăng 29 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2024. Bên cạnh tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách, chất lượng nợ được duy trì ổn định. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh ở mức 0,55% trên tổng dư nợ; trong đó nợ quá hạn chiếm 0,17%, nợ khoanh chiếm 0,38%. Cùng với đó, 164/219 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động giao dịch tại 10 điểm giao dịch xã, thị trấn được đánh giá là hoạt động tốt.
Bà Lò Thị Thanh, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mường Ảng cho biết: Khi có sự chỉ đạo trực tiếp của chủ tịch UBND xã, công tác phối hợp giữa chính quyền với ngân hàng được thực hiện thuận lợi. Công tác phối hợp với các hội, đoàn thể trong thực hiện chính sách vốn, quản lý vốn tốt hơn. Đặc biệt, khi chủ tịch UBND xã tham gia ban đại diện, các chương trình tín dụng được gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã như: giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… Qua đó, nguồn vốn tín dụng của NHCSXH được triển khai ở cơ sở thiết thực, hiệu quả hơn.
Việc thực hiện chủ trương bổ sung chủ tịch UBND cấp xã vào ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện được thực hiện từ năm 2015. Tại tỉnh Điện Biên, ngay sau khi có văn bản hướng dẫn thực hiện bổ sung chủ tịch UBND cấp xã tham gia ban đại diện HĐQT, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Điện Biên đã hướng dẫn các phòng giao dịch huyện, thị xã, thành phố thực hiện theo đúng thủ tục, quy trình, quy định của cấp trên. Đến nay, trong số 238 thành viên thuộc 10 Ban đại diện HĐQT cấp huyện trên địa bàn tỉnh có 129 thành viên là chủ tịch UBND của 129 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
Điều dễ nhận thấy đó là từ khi chủ tịch UBND xã được bổ sung vào Ban đại diện HĐQT cấp huyện, các biện pháp quản lý vốn như: đôn đốc, thu hồi nợ quá hạn, xử lý các vấn đề phát sinh, xác minh các trường hợp hộ vay bị rủi ro… được thực hiện quyết liệt. Đối với việc bình xét đối tượng vay, chủ tịch UBND xã chỉ đạo sát sao các tổ chức hội, đoàn thể xã, các thôn, tổ tiết kiệm và vay vốn nên việc phối hợp bình xét công khai, dân chủ, đảm bảo nguồn vốn cho vay đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, việc bố trí nơi giao dịch, bàn ghế, an ninh, đảm bảo hoạt động giao dịch tại xã diễn ra an toàn, hiệu quả.
Có thể khẳng định, từ khi chủ tịch UBND xã tham gia ban đại diện, vai trò, trách nhiệm quản lý vốn chính sách của UBND cấp xã được phát huy hiệu quả. Chương trình tín dụng chính sách được triển khai hiệu quả; các tổ tiết kiệm và vay vốn được củng cố kịp thời. Chất lượng tín dụng từng bước nâng cao. Hiện nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi đang triển khai thông qua các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh nhận ủy thác là hơn 4.800 tỷ đồng, trong đó, tỷ lệ nợ xấu đã giảm từ 1,04% năm 2014 xuống còn 0,45%/tổng dư nợ.