Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Để không còn thôn, bản nơi miền biên viễn thiếu ánh sáng của Đảng (bài 3)

14:16 - Thứ Năm, 08/06/2023 Lượt xem: 4420 In bài viết

Bài 3: Khi vai trò của Đảng được phát huy

ĐBP - Thực tiễn qua các giai đoạn lịch sử đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Điều này được minh chứng khi mỗi một chi bộ ở tỉnh Điện Biên được thành lập, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên cũng được nâng lên. Lại càng đúng hơn khi ở nhiều bản vùng cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, từ khi có chi bộ, có ánh sáng của Đảng soi đường chỉ lối, đời sống của người dân đã có những đổi thay tích cực, đói nghèo, lạc hậu… dần đi vào quá khứ.

Bài 1: Nỗ lực tìm nguồn kết nạp Đảng

Bài 2: Vùng biên tiên phong về đích trong giai đoạn mới

Phó Bí thư Đảng uỷ xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) Nguyễn Văn Tiến vận động người dân trên địa bàn bản Púng Giắt 1 tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước.

Dẫn dắt phong trào ở cơ sở

Chớm hạ, thời tiết oi bức, trời nắng như đổ lửa song hình ảnh anh Nguyễn Văn Tiến, Phó Bí thư Đảng ủy xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) cùng Bí thư Chi bộ bản Púng Giắt 1 Lò Văn Chơ đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động người dân tích cực vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chung tay tu sửa kênh mương nội đồng đảm bảo nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp càng khiến chúng tôi cảm phục hơn.

Với vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, các chi bộ thôn, bản đã có nhiều đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trong những năm qua của tỉnh. Riêng năm 2022, qua tuyên truyền, vận động, cộng đồng dân cư đã góp công, hiến đất, góp nguyên vật liệu làm đường giao thông, nhà văn hóa cộng đồng... xây dựng NTM với giá trị quy đổi gần 3,1 tỷ đồng. Từ đó, nâng số xã trong toàn tỉnh Điện Biên được công nhận đạt chuẩn, cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới đến hết năm 2022 là 52 xã (22 xã đạt chuẩn, 30 xã cơ bản đạt chuẩn).

Lau những giọt mồ hôi trên gò má, anh Tiến bảo, cách đây hơn 5 năm, đời sống của bà con nơi đây khó khăn lắm. Nhờ có những chi bộ tốt, đảng viên tốt nên cuộc sống của họ cũng thay đổi nhiều. Chỉ tay vào những nếp nhà sàn khang trang, tuyến đường sạch đẹp, anh Tiến cho biết: Trước kia, do nhận thức một số người dân còn hạn chế, còn tình trạng nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn, khiến môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng nay thì khác, tư duy trong sản xuất, chăn nuôi của bà con đã thay đổi. Họ đã biết thế nào là giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo sức khỏe cho gia đình, cộng đồng. Có được kết quả đó, công đầu phải kể đến vai trò của các chi bộ, nhất là bí thư chi bộ thôn, bản đã gương mẫu đi đầu, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân giống như cách mà bí thư Chi bộ bản Púng Giắt 1 Lò Văn Chơ đang thực hiện.

Không riêng gì chi bộ bản Púng Giắt 1, nhờ vai trò lãnh đạo của các chi bộ được phát huy, mà giờ đây công cuộc xây dựng nông thôn mới ở xã Mường Mươn đã thuận lợi hơn rất nhiều. Người dân ý thức hơn, trách nhiệm hơn trong việc đồng hành cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới.

Ông Tòng Văn Dinh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết, triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã đã họp bàn, chỉ đạo các chi bộ, các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, ngành phát động. Cụ thể như phong trào: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…

Nhờ vậy, chỉ vài năm gần đây, nhân dân hiến đất, góp tiền, ngày công lao động với tổng giá trị quy bằng tiền mặt hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, trong công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, dưới sự lãnh đạo của các chi bộ bản, người dân ở xã Mường Mươn đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực áp dụng khoa học - kĩ thuật vào sản xuất, từ đó mang lại hiệu quả cao. Đến nay, xã Mường Mươn đã đạt 16 tiêu chí; phấn đấu đến năm 2025 về đích nông thôn mới.

Đảng viên, cán bộ Hội LHPN xã Mường Mươn thường xuyên bám nắm cơ sở, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế.

Làm cho dân tin

Tích cực đi đầu trong mọi lời nói và hành động, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của người đảng viên; nhiều năm qua, anh Sùng A Ly, Bí thư Chi bộ bản Huổi Lúm, xã Nậm Vì (huyện Mường Nhé) luôn được bà con dân bản yêu mến.

Hơn 10 năm trước, tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè và một số xã, bản ở huyện biên giới Mường Nhé xảy ra vấn đề phức tạp về an ninh trật tự; xuất hiện luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch, gây mất đoàn kết dân tộc. Nhiều người dân vì nhẹ dạ cả tin đã nghe theo lời kẻ xấu, bỏ nương rẫy, tụ tập đông người, gây bất ổn về an ninh chính trị...

Bí thư Chi bộ bản Huổi Lúm, xã Nậm Vì Sùng A Ly: “Năm 2011, một số phần tử xấu tụ tập đòi thành lập “Vương quốc Mông” ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè. Lúc ấy, bà con ở Huổi Lúm cũng hoang mang, dao động lắm. Để bà con không nghe theo lời kẻ xấu, với vai trò là một đảng viên, lời nói phải đi đôi với hành động, mình đã lấy danh dự hứa sẽ giúp bà con làm một năm hai vụ lúa nước, chỉ cần bà con không bỏ bản mà đi…”

Ấy thế nhưng, tại nhiều bản ở xã Nậm Vì, trong đó có Huổi Lúm, an ninh chính trị rất ổn định. Kết quả này có được là nhờ Chi bộ đảng và những đảng viên ưu tú đã không ngại khó, ngại khổ đi đến từng hộ gia đình tuyên truyền cho người dân hiểu, chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để ổn định đời sống. Và một trong những người làm nên thành công ở Huổi Lúm là đảng viên Sùng A Ly.

Nhớ lại sự kiện tập trung đông người ở xã Nậm Kè diễn ra thời điểm năm 2011 (một số phần tử xấu đòi thành lập “Vương quốc Mông” - PV), anh Sùng A Ly chia sẻ: Bà con vùng cao thật thà lắm. Nếu không nói cho họ hiểu đó là đúng hay sai, đó là lẽ phải hay lẽ trái thì họ khó mà nhận thức được. Bởi vậy mình phải tuyên truyền thật nhiều. Tuyên truyền một ngày không được, hai ngày không được thì nhiều ngày. Mưa dầm thấm lâu, một vài nhà nghe, rồi cả bản Huổi Lúm cũng tin theo lời hứa của đảng viên Sùng A Ly. Nhờ đó, ngay cả lúc cao điểm vụ việc ở Huổi Khon xảy ra thì bản Huổi Lúm không có bạo động, dân bản ở nhà yên ổn làm ăn, sinh sống.

Bí thư Chi bộ bản Huổi Lúm Sùng A Ly (ngoài cùng bên phải) thường xuyên bám nắm cơ sở, gần gũi, động viên người dân nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Với tư cách là một đảng viên, đứng đầu trong chi bộ, anh Sùng A Ly lúc nào cũng tâm niệm phải nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, lời nói phải đi đôi với hành động, phải làm sao cố gắng giúp bà con xóa được đói, giảm được nghèo, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Bởi vậy, dù khó, dù khổ, dù phải đương đầu với thử thách anh Ly cũng không bao giờ nản chí.

Thời điểm năm 2011, cố gắng lắm mỗi năm bản Huổi Lúm cũng chỉ làm được một vụ lúa nước, nhiều nhà không đủ cái ăn. Ngày ấy, để người dân tin theo, làm theo, Sùng A Ly đã đưa ra quyết định táo bạo khi cùng 5 anh em trong gia đình mua một bộ máy phay đất với giá 24 triệu đồng – bộ máy và số tiền vốn “không tưởng” với nhiều người ở bản lúc bấy giờ. Tuy nhiên việc làm đó đã góp phần nâng cao đời sống, phát triển nông nghiệp cho người dân trong bản. Minh chứng là hiện nay nhà nào cũng có đủ thóc, gạo để ăn, cái đói cái nghèo cũng đã trở thành quá khứ.

Chia tay Huổi Lúm, chia tay Bí thư chi bộ mẫu mực Sùng A Ly, chúng tôi càng thêm phấn khởi với những đổi thay của bản, những con đường mới mở, những ngôi nhà khang trang, những đứa trẻ được học hành, những cánh rừng xanh bất tận được bảo vệ nghiêm ngặt… Nhưng điều mà khiến chúng tôi vui hơn cả đó là niềm tin, niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có công lớn của đảng viên Sùng A Ly cũng như vai trò lãnh đạo của chi bộ bản Huổi Lúm, xã Nậm Vì.

Bài 4: Những thách thức trong xoá bản chưa có chi bộ

Văn Quyết – Phong Vân
Bình luận

Tin khác

Back To Top