Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Để không còn thôn, bản nơi miền biên viễn thiếu ánh sáng của Đảng (bài 5)

08:58 - Thứ Bảy, 10/06/2023 Lượt xem: 3048 In bài viết

Bài 5: Tháo gỡ vướng mắc, hoàn thành mục tiêu

ĐBP - Mỗi năm có giảm từ 20 – 25% số thôn, bản chưa  có chi bộ để thành lập được chi bộ; đến năm 2025 tất cả các thôn, bản, trạm y tế trên địa bàn tỉnh thành lập được chi bộ độc lập… Đó là mục tiêu Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 7/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở giai đoạn 2021 – 2025 đề ra.

Bài 1: Nỗ lực tìm nguồn kết nạp Đảng

Bài 2: Vùng biên tiên phong về đích trong giai đoạn mới

Bài 3: Khi vai trò của Đảng được phát huy

Bài 4: Những thách thức trong xoá bản chưa có chi bộ

Phó Ban Tổ chức Huyện ủy Điện Biên Đông Bùi Văn Hùng chia sẻ những giải pháp, lộ trình xóa bản chưa có chi bộ trên địa bàn huyện đến năm 2025.

Điện Biên là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cao thứ 3 cả nước; hạ tầng giao thông, văn hóa thiếu đồng bộ; các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, chống phá trên nhiều mặt, nhất là hoạt động lợi dụng tuyên truyền đạo trái pháp luật. Cùng với đó, tình hình di cư tự do, buôn bán trái phép chất ma túy diễn biến phức tạp; năng lực đội ngũ cán bộ, đảng viên có mặt chưa đáp ứng yêu cầu; còn một số thôn, bản ít đảng viên, chưa có chi bộ độc lập (từ 1 - 2 đảng viên)… Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng, ở một số nơi trên địa bàn tỉnh, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân chưa đầy đủ, kỹ lưỡng, chưa thấu đáo; nên một bộ phận nhân dân còn thiếu lòng tin vào Đảng, vào Nhà nước.

Nguyên nhân do một số tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ yêu cầu nhiệm vụ về công tác xây dựng đảng. Trên thực thế, thời gian qua tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh chất lượng sinh hoạt một số chi bộ thôn, bản, nhất là chi bộ ghép còn hạn chế. Điều này khiến cho nỗi lo nguy cơ tái bản “trắng” đảng viên, tổ chức đảng là hoàn toàn có cơ sở nếu thiếu sự kiên trì của các cấp ủy đảng.

Để khắc phục tình trạng yếu kém của hệ thống chính trị cơ sở, các xã đặc biệt khó khăn, các xã biên giới, Đảng bộ tỉnh xác định giải pháp đồng bộ, phù hợp với thực tiễn cơ sở. Trong đó, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên ở thôn, bản có ít đảng viên hoặc chưa có chi bộ là yếu tố quan trọng hàng đầu nhằm tăng cường sự lãnh đạo của đảng tới từng thôn, bản góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà đảng đề ra. Xuất phát từ thực tế cơ sở, việc phát triển tổ chức đảng, đảng viên góp phần xây dựng củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết và quan trọng.

Đảng viên Chi bộ bản Mường Luân, xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) vui mừng, phấn khởi khi vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Đến hết năm 2022, tỉnh Điện Biên còn 170 chi bộ tại 8/10 huyện, thị xã, thành phố có từ 3 - 5 đảng viên. Trong đó, huyện Điện Biên Đông 58 chi bộ; huyện Điện Biên 14 chi bộ; huyện Mường Ảng 8 chi bộ; Mường Chà 21 chi bộ; Mường Nhé 35 chi bộ; Nậm Pồ 16 chi bộ; Tủa Chùa 3 chi bộ và Tuần Giáo 15 chi bộ.

Theo ông Cao Đăng Hạnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Điện Biên, với mục tiêu, để phát triển tổ chức đảng, trong đó, tiến tới lộ trình xóa 100% bản chưa có chi bộ, trên cơ sở Nghị quyết 04-NQ/TU, tỉnh Điện Biên đang xây dựng “Đề án phát triển tổ chức đảng, đảng viên góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới tỉnh Điện Biên giai đoạn  2023 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, xác định, việc phát triển tổ chức đảng, đảng viên là đặc biệt quan trọng, nhưng không vì vậy mà chạy theo thành tích, số lượng, mà ngược lại, phát triển đến đâu, tốt đến đó, hiệu quả rõ rệt, toàn diện.

Cùng đó, đối với mỗi đồng chí trong cấp ủy được phân công phụ trách cơ sở, địa bàn trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, cần nắm chắc tình hình và chịu trách nhiệm trước cấp ủy mình về chất lượng hoạt động của chi, đảng bộ, về công tác phát triển đảng viên, phát triển tổ chức đảng. Đối với thôn, bản chưa có chi bộ, cấp ủy xã giao trách nhiệm cho đồng chí cấp ủy viên phụ trách thôn, bản nắm tình hình thông qua hoạt động của các đoàn thể ở thôn, bản nhằm phát hiện quần chúng ưu tú để giúp đỡ, bồi dưỡng nhận thức về đảng, tạo nguồn kết nạp. Đồng thời, quan tâm bồi dưỡng quần chúng ưu tú là trưởng thôn, phó thôn, trưởng bản, bộ đội xuất ngũ, đoàn viên, hội viên các hội đoàn thể…

Nhờ có cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, những năm qua đời sống người dân bản Huổi Khon 2, xã Nậm Kè từng ngày đổi thay. Trong ảnh: Cán bộ, chiến sĩ là đảng viên Đồn Biên phòng Nậm Kè giúp người dân bản Huổi Khon 2 phát triển kinh tế.

Đặc biệt, đối với chi bộ thôn, bản dưới 5 đảng viên, vận dụng linh hoạt hướng dẫn 01-HD/TW ngày 28/9/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về hướng dẫn cụ thể thi hành Điều lệ Đảng để kết nạp những quần chúng có trình độ học vấn tối thiểu; vận dụng Quy định 05-QĐ/TW ngày 28/8/2018 quy định kết nạp người vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình vào Đảng. Ngoài ra, nguồn quần chúng để đề cử, bồi dưỡng đứng trong hàng ngũ của Đảng cũng cần quan tâm đến đội ngũ lao động tại chỗ; lao động là công nhân tại các dự án lớn của tỉnh; thành viên các chi hội tại thôn, bản. Đối với các chi bộ gặp khó khăn trong phát triển đảng, đảng ủy cơ sở phải phân công các đồng chí trong ban chấp hành đảng bộ xã trực tiếp làm bí thư lãnh đạo chi bộ, xây dựng nghị quyết về công tác phát triển đảng; giao chỉ tiêu cụ thể cho các tổ chức chính trị - xã hội trong tạo nguồn.

Tuy nhiên, khó khăn nhất là không có nguồn. Hầu hết những người đủ điều kiện về trình độ học thức, văn hóa đã được kết nạp, đào tạo; còn lại chủ yếu những người già, không đủ tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, một số lượng lớn đủ điều kiện đi lao động, làm việc ở ngoài tỉnh. Vì vậy, để số lượng lao động ngoại tỉnh trở về địa phương sinh sống, làm việc, tạo nguồn cho Đảng thì trước hết các địa phương cần tạo việc làm cho lao động địa phương. Trong đó, cần đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, từ đó mới thu hút được lao động trở về địa phương. Còn nếu không tạo được việc làm thì dù có kết nạp đảng thì nhiều lao động cũng đi ngoại tỉnh làm việc.

Bên cạnh đó, cần quan tâm việc công nhận các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo chính thống theo quy định, để người dân yên tâm sinh sống, hoạt động tôn giáo. Từ đó, rà soát, chọn lọc và tạo nguồn kết nạp đảng. Thực tế cho thấy một số đảng viên theo tôn giáo chính là cầu nối gắn bó quần chúng theo tôn giáo với Đảng, chính quyền, đoàn thể. Qua họ, mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được tuyên truyền sâu rộng và được thực hiện hiệu quả trong vùng đồng bào có đạo. Những mong muốn, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân cũng dễ dàng được Đảng, chính quyền nắm bắt, giải quyết thấu tình đạt lý.

Thành công trong việc xóa bản chưa có đảng viên, tổ chức đảng ở những bản làng xa xôi hẻo lánh trên địa bàn tỉnh Điện Biên không chỉ đơn thuần là xóa được bản trắng đảng viên mà còn xây dựng, củng cố, hoàn thiện được hệ thống chính trị thôn, bản. Từ đó, giúp cho việc triển khai, thực hiện nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước đến được với bà con thuận lợi, hiệu quả.

Văn Quyết – Phong Vân
Bình luận

Tin khác

Back To Top