Sau hai ngày rưỡi làm việc khẩn trương, sôi nổi, với tinh thần trách nhiệm cao, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Quốc hội Khóa XV tuần qua hoàn thành tốt đẹp phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 bằng hình thức trực tiếp.
Theo dõi sát diễn biến nhiều nội dung quan trọng, thiết thực và gần gũi cuộc sống tại nghị trường những ngày qua, đông đảo cán bộ, đảng viên, cử tri và nhân dân, trong đó rất nhiều đại biểu Quốc hội các khóa bày tỏ hài lòng các vấn đề được Quốc hội lựa chọn làm nội dung chất vấn được đánh giá là "trúng và đúng", phù hợp yêu cầu từ thực tiễn, phản ánh nguyện vọng, mong muốn của cử tri. Thành công của phiên chất vấn tại một kỳ họp trực tiếp đầu tiên càng khẳng định tinh thần nỗ lực đổi mới không ngừng trong hoạt động giám sát của Quốc hội, đưa những nội dung hoạt động nghị trường càng sát gần hơi thở cuộc sống với những vấn đề "quốc kế dân sinh". Đông đảo cử tri theo dõi các phiên chất vấn và thảo luận các nội dung quan trọng đã đánh giá rất cao Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các vị Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành rất khoa học, linh hoạt, kỹ lưỡng các nội dung. Sau mỗi ý kiến trả lời chất vấn, Chủ tọa đã tổng hợp tóm tắt nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tọa chủ động nêu rõ, chỉ ra những nội dung mà các thành viên Chính phủ chưa trả lời đúng ý kiến của đại biểu Quốc hội, từ đó gợi mở ý kiến trả lời bổ sung thêm. Qua đó, khẳng định rõ nét trách nhiệm của Quốc hội với tư cách cơ quan lập pháp tối cao và thể hiện vai trò, trách nhiệm của Quốc hội với cử tri cả nước.
Được đánh giá như "điểm nhấn quan trọng" của kỳ họp, phiên chất vấn lần này diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, thu hút được sự quan tâm, chú ý rộng rãi công nhân, cử tri và bà con mọi miền. Cùng với ba vị bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm trả lời chính, các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; năm bộ trưởng tham gia trả lời giải trình, làm rõ thêm các nội dung liên quan nhóm vấn đề chất vấn. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ hơn những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Trong những thông điệp gần đây của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đã từng nhấn mạnh, hoạt động chất vấn chính là sự cảnh báo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một vấn đề cần được lưu ý giải quyết, cũng là cơ hội để các bộ trưởng thực hiện trách nhiệm giải trình, tạo sự đồng thuận xã hội.
Theo số liệu thống kê, tại kỳ họp có 266 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn, có 131 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 34 đại biểu đặt câu hỏi đối với Phó Thủ tướng Chính phủ, gần 30 lượt đại biểu Quốc hội tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu quan tâm. Các ý kiến chất vấn và trả lời chất vấn tuân thủ tính xây dựng, tranh luận sôi nổi, làm rõ trách nhiệm của người được chất vấn; đồng thời, thể hiện sự nghiên cứu kỹ lưỡng của các vị đại biểu Quốc hội đối với các báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành.
Trong phần trao đổi ý kiến tại hội trường, các vị đại biểu Quốc hội tuân thủ tinh thần đổi mới của kỳ họp, trả lời chất vấn và cách thức trao đổi, cách thức tranh luận, bảo đảm đúng thời gian quy định; với nội dung ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, ít có sự trùng lặp, có đối thoại, tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, sử dụng hiệu quả thời gian để chất vấn và làm rõ vấn đề. Diễn biến phiên chất vấn cho thấy việc lựa chọn những vấn đề đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết một cách đầy đủ và căn cơ, có cả nhiều vấn đề mới phát sinh, đều đã được đưa ra xới xáo kỹ lưỡng, tìm các giải pháp, câu trả lời cụ thể, cặn kẽ. Qua đó thể hiện rõ nét bản lĩnh, tâm thế, chính kiến của tập thể Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các vị bộ trưởng, trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn. Sau kỳ họp này và phiên họp này, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực, rõ rệt đối với những vấn đề vừa được chất vấn.
Trao đổi với phóng viên báo chí gần đây, nhiều đại biểu cho rằng, trong nhiều hình thức giám sát tối cao của Quốc hội thì hình thức chất vấn thường có hiệu lực lớn và mang lại hiệu quả cao. Ở mỗi lĩnh vực chất vấn được "cột chặt" với trách nhiệm cá nhân từng chức danh được chất vấn. Các khiếm khuyết tồn tại ở mỗi lĩnh vực không thể đổ thừa cho ai được, không có chuyện tập thể chịu trách nhiệm chung. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đồng tình cho rằng, một trong những phương châm hoạt động chất vấn là đi tới tận cùng của mỗi vấn đề; chính vì vậy mà cần phát huy mạnh mẽ hình thức giám sát hoạt động chất vấn. Bên cạnh đó, kết quả của chất vấn sẽ phục vụ đắc lực cho hoạt động giám sát bằng hình thức lấy phiếu tín nhiệm…
Với kinh nghiệm dày dặn tham gia nhiều khóa Quốc hội và là nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, ông Lê Như Tiến nhận xét: Hoạt động chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội luôn được đổi mới để nâng cao chất lượng. Công tác theo dõi việc thực hiện lời hứa của người trả lời chất vấn, thông báo các nội dung có liên quan sau chất vấn được thực hiện một cách thường xuyên góp phần nâng cao hiệu quả chung của hoạt động giám sát. Ông Lê Như Tiến cho rằng: Nhìn chung, hoạt động chất vấn giúp khẳng định được trách nhiệm của cơ quan điều hành, trở thành một sinh hoạt thường xuyên, có hiệu quả thiết thực của Quốc hội. Trong các hình thức hoạt động giám sát thì chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp và được coi là công cụ giám sát mạnh nhất của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Đồng tình với đánh giá của đại biểu Lê Như Tiến, nhiều đại biểu và cử tri cho rằng, điểm mới tại phiên chất vấn lần này thể hiện rất rõ phương thức "hỏi thẳng, đáp thẳng", "hỏi nhanh, đáp gọn". Đại biểu chất vấn trực diện để làm rõ, chỉ rõ những vấn đề tồn tại thuộc trách nhiệm từ đâu, của ai, trách nhiệm của người đứng đầu như thế nào? "Sau chất vấn là điều đáng quan tâm, kết quả phải có sự chuyển động và hành động", và để làm được vậy, theo ông Lê Như Tiến, "từng đại biểu Quốc hội phải theo bám đến cùng, xem thành viên Chính phủ, trưởng bộ, ngành làm đúng lời hứa hay không".