Loay hoay sản phẩm OCOP

17:51 - Thứ Tư, 26/06/2024 Lượt xem: 37523 In bài viết

ĐBP - Điện Biên triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) từ năm 2018 và đến nay đã có một số sản phẩm OCOP đạt tiêu chí 3 sao, 4 sao. Chương trình OCOP đã phát huy nội lực của các chủ thể sản xuất, kinh doanh trong việc chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm, quy hoạch vùng sản xuất, kết nối, hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Dù đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn nhưng nhiều sản phẩm OCOP của Điện Biên vẫn loay hoay tìm đầu ra, chưa có kênh tiêu thụ ổn định.

Giới thiệu sản phẩm OCOP tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Mai Giáp

Sản phẩm OCOP của Điện Biên chủ yếu mặt hàng nông sản và không ít sản phẩm tạo được ấn tượng tốt với người tiêu dùng như gạo séng cù, chè, cà phê, thịt khô... Từ cuối năm 2023 tỉnh đã tổ chức đưa một số sản phẩm OCOP giới thiệu, trưng bày tại TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Hà Nội và thu hút sự quan tâm, thưởng thức của đông đảo người tiêu dùng. Sản phẩm OCOP của Điện Biên từ đó tạo sự lan tỏa xa hơn, nhiều người biết, tìm hiểu, thưởng thức. Sau 5 năm triển khai chương trình OCOP, cuối năm 2023, Sở Công Thương mở điểm trưng bày giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Điện Biên, nông sản, đặc sản vùng miền tại phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ). Đây là địa điểm để du khách tới Điện Biên có thể dễ dàng tìm sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương. Năm 2024 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trên địa bàn tỉnh với các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Năm Du lịch Điện Biên, Lễ hội Hoa Ban và một số hội chợ thương mại được tổ chức. Các hoạt động thu hút đông đảo du khách đến Điện Biên tham quan di tích lịch sử và tham dự các hoạt động, sự kiện. Đây chính là điều kiện, “cơ hội vàng” để Điện Biên quảng bá, giới thiệu và tìm kiếm kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP; là cầu nối cho doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối thị trường tiêu thụ, hợp tác, phát triển sản xuất, kinh doanh. Với Điện Biên, sản phẩm OCOP được bày bán tại các điểm du lịch, di tích lịch sử đã thu hút, níu chân du khách. Trong 5 tháng đầu năm, Điện Biên đón trên 1,2 triệu lượt du khách và nhân dân mọi miền Tổ quốc tới tham quan, trải nghiệm và mua sắm sản phẩm OCOP; tạo điều kiện để sản phẩm OCOP tiếp cận nhanh hơn tới người tiêu dùng.

Tuy nhiên, kết quả tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh không tích cực khi chưa nhiều sản phẩm tiêu thụ tại các điểm tham quan di tích lịch sử. Ngay tại điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP của tỉnh, nhiều mặt hàng mang tính mùa vụ, nguồn cung không ổn định; trong khi đó phần lớn sản phẩm OCOP là nông sản chưa qua chế biến nên việc lưu trữ khó khăn.

Gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP Điện Biên.

Toàn tỉnh hiện có 72 sản phẩm OCOP (2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 3 sản phẩm đủ điều kiện chứng nhận 4 sao và 67 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao). Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt từ  3 - 5 sao có giá trị 36 tháng sau đó chủ thể phải làm hồ sơ, thủ tục đánh giá, công nhận lại hạng sao đối với sản phẩm. Đến tháng 4/2024 đã có 35 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao của tỉnh hết thời gian chứng nhận nhưng chỉ 16 sản phẩm làm thủ tục, hồ sơ công nhận lại. Các chủ thể khác không làm hồ sơ để công nhận lại hạng sao khi đã hết hiệu lực. Khi chứng nhận hết hiệu lực, chủ thể không được sử dụng nhãn OCOP in, dán lên bao bì sản phẩm khi lưu thông, tiêu thụ. Trong khi đó, để nâng hạng sao đối với sản phẩm OCOP, chủ thể phải đầu tư, cải tiến dây chuyền, quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm…  

Sản phẩm OCOP giới thiệu phiên chợ biên giới Nậm Pồ. Ảnh: Phạm Quang

Lý giải việc không làm hồ sơ công nhận lại, một số chủ thể cho rằng mất nhiều thời gian cho việc hoàn thiện hồ sơ, tốn thêm chi phí trong khi việc tiêu thụ sản phẩm không có sự thay đổi nhiều so với trước khi công nhận sản phẩm OCOP. Khách hàng đã biết tới sản phẩm nên tìm mua qua kênh thương mại điện tử không quan tâm nhiều tới việc dán nhãn OCOP. Có chủ thể chuyển qua phát triển sản phẩm mới và nâng cao chất lượng các sản phẩm đã có. Trong khi đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, xây dựng sản phẩm OCOP của tỉnh chưa nhiều, thiếu đồng bộ, chủ yếu mời chủ thể tham gia hội chợ, giới thiệu, quảng bá.

Nguyên nhân nữa là do sản xuất mang tính tự phát, manh mún, canh tác theo truyền thống, kinh nghiệm; vùng nguyên liệu nhỏ, sản phẩm chưa đạt yêu cầu người tiêu dùng. Có sản phẩm OCOP sau khi đạt sao không mở rộng được thị trường tiêu thụ nên chủ thể không đăng ký công nhận lại.

Thưởng thức cà phê Hà Chung.

Thực hiện chương trình OCOP nhằm mục tiêu phát huy tiềm năng, thế mạnh truyền thống của các địa phương trong tỉnh, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn quy định, nâng cao thu nhập cho người dân. Các sản phẩm đạt OCOP có chuyển biến tích cực về chất lượng, bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, một số sản phẩm được hỗ trợ chứng nhận VietGAP, chứng nhận sản xuất hữu cơ... Sản xuất sản phẩm OCOP giúp người dân có thêm kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn OCOP.

Trang phục truyền thống, gia vị chấm, thịt khô của đồng bào Thái Điện Biên.

Để phát triển sản phẩm OCOP cần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, quan tâm đầu tư mẫu mã, chất lượng sản phẩm, thu hút người tiêu dùng. Quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng quy trình sản xuất sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn OCOP. Đồng thời có chính sách hỗ trợ chủ thể giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các hội chợ thương mại, sự kiện kinh tế, văn hóa trong và ngoài tỉnh. Tăng cường kết nối, đưa sản phẩm OCOP đến gần người tiêu dùng qua kênh thương mại điện tử; có thể cho du khách trải nghiệm thực tế sản xuất sản phẩm OCOP để du khách tin tưởng, lan tỏa hiệu quả sản phẩm.

Khách tìm hiểu sản phẩm OCOP Điện Biên tại hội chợ thương mại tổ chức tháng 4/2024 tại TP Điện Biên Phủ. Ảnh: P.V

Để đạt mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có ít nhất 90 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao cấp tỉnh, 3 - 4 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao cấp quốc gia trước hết cần khắc phục những vướng mắc, hạn chế nêu trên.

Hà Anh
Bình luận
Back To Top