Giải quyết bạo lực gia đình phải bắt nguồn từ gốc rễ của vấn đề

15:22 - Thứ Ba, 14/06/2022 Lượt xem: 5298 In bài viết

ĐBP - Chiều 14/6, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Tham gia ý kiến, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Quàng Thị Nguyệt nhận định, việc giải quyết bạo lực gia đình phải bắt nguồn từ gốc rễ của vấn đề, đó là thay đổi nhận thức, hành vi từ khi còn nhỏ, còn trẻ.

Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt phát biểu ý kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với sự cần thiết phải sửa đổi luật như tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban xã hội đã nêu. Sau gần 15 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, thực trạng bạo lực gia đình vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đặc điểm tình hình kinh tế xã hội đang có những biến đổi, vì vậy cần thể hiện, phản ánh đầy đủ trong luật. Việc sửa đổi luật là bước quan trọng thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, như Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/06/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, xác định gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững đất nước.

Về khái niệm bạo lực gia đình, dự thảo Luật quy định “Bạo lực gia đình là hành vi gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình”. Nữ đại biểu cho rằng, giải thích như vậy có vẻ gọn nhưng chưa đủ, người dân khó nhận diện, khó phân biệt với hành vi bạo lực khác. “Một trong những thách thức đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong những năm qua là tỷ lệ người dân biết đến luật thì nhiều nhưng hiểu rõ thế nào là hành vi bạo lực gia đình thì chưa cao”, đại biểu Quàng Thị Nguyệt cho biết.

Đại biểu đề nghị cần quy định lại như sau: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình”.

Về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình tại điểm đ, khoản 2, Điều 41 dự thảo Luật, đề nghị bổ sung quy định Nhà tạm lánh là một trong những cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình. Thực tế hiện nay, nạn nhân của các hành vi bạo lực gia đình chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Nếu chỉ có các cơ sở trợ giúp thông thường không áp dụng các yếu tố “Nhạy cảm giới” sẽ dẫn đến những hạn chế nhất định trong loại hình dịch vụ hỗ trợ. Mô hình Nhà tạm lánh do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam vận hành 15 năm nay nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bạo lực trên cơ sở giới (bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục) đã chứng minh tính hiệu quả, phù hợp với văn hóa Việt Nam. Mô hình này cung cấp các dịch vụ toàn diện (gồm bảo vệ an toàn, tư vấn tâm lý khủng hoảng, giám định tư pháp, chăm sóc y tế khẩn cấp và hỗ trợ dịch vụ bảo vệ) mang tính đặc thù, đạt chuẩn quốc tế như một dịch vụ thiết yếu hỗ trợ khẩn cấp và can thiệp khủng hoảng cho phụ nữ.

“Với những ưu điểm trên của mô hình, cần thiết được cộng đồng, pháp luật công nhận để tạo hành lang pháp lý phù hợp cho sự phát triển và bền vững của mô hình”, nữ đại biểu tỉnh Điện Biên đề xuất.

Bên cạnh việc tư vấn pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thì việc tư vấn tâm lý trị liệu cho người bị bạo lực và người gây ra hành vi bạo lực cũng vô cùng quan trọng. Trong nhiều trường hợp, việc tư vấn điều trị tâm lý có thể giải quyết được gốc rễ vấn đề bạo hành. Thời gian qua, việc tư vấn chủ yếu nghiêng về tư vấn pháp luật mà coi nhẹ về tư vấn về tâm lý trị liệu. Vì vậy quy định về tiêu chuẩn tư vấn viên vẫn chỉ là có am hiểu về luật hình sự, quyền con người, bình đẳng giới… Theo đại biểu Quàng Thị Nguyệt, cần phải quan tâm xây dựng lực lượng nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp am hiểu pháp luật, xã hội học, tâm lý học, phục vụ công tác phòng, chống bạo lực gia đình, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, tư vấn cho cả người gây ra bạo lực và nạn nhân của bạo lực gia đình. Tại các trường học cần có những phòng tham vấn tâm lý học đường, giúp giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ, kỹ năng sống, giáo dục giới tính…

“Việc giải quyết bạo lực gia đình phải bắt nguồn từ gốc rễ của vấn đề, đó là thay đổi nhận thức, hành vi từ khi còn nhỏ, còn trẻ. Vì thế, một trong những giải pháp cần quan tâm là truyền thông, giáo dục về quyền con người, về giá trị gia đình, bình đẳng giới, các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp và pháp luật liên quan đến bạo lực gia đình ngay từ bậc phổ thông để trẻ em hình thành được quan điểm, thái độ và ứng xử trong hôn nhân, gia đình văn minh, văn hóa, tiến bộ trong quá trình các em phát triển và hoàn thiện nhân cách”, nữ đại biểu tỉnh Điện Biên khẳng định.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top