ĐBP - Lịch sử Việt Nam đã trải qua gần 120 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và nhiều năm gồng mình trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, bảo vệ biên giới phía Bắc. Để có hòa bình, độc lập như ngày hôm nay, không biết bao người con ưu tú đã ngã xuống, cống hiến thanh xuân, sức lực hay một phần thân thể. Những năm tháng ấy, Điện Biên cũng đã gửi lớp lớp thanh niên ra chiến trường và bao bọc bao người con mọi miền quê về với đất mẹ. Sự hi sinh, anh dũng ấy mãi mãi là điều thiêng liêng, cao đẹp mà muôn thế hệ sau khắc ghi, trân trọng bằng sự tri ân chân thành và những hành động đền ơn đáp nghĩa thiết thực.
Những ngày tháng 7, các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh ta nghi ngút hương thơm. Dòng người từ khắp mọi miền đất nước về đây dâng hương, tưởng nhớ những người con anh dũng của Tổ quốc. Đoàn thanh niên các cấp cũng tổ chức nhiều buổi thăm viếng, thắp nến, dọn dẹp, thay hoa tại các nghĩa trang. Điện Biên hiện có 8 nghĩa trang liệt sĩ với hơn 6.600 phần mộ liệt sĩ hi sinh trong các thời kỳ kháng chiến. Đặc biệt có 4 nghĩa trang lớn, trong đó 3 nghĩa trang liệt sĩ hi sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ (Nghĩa trang A1, Nghĩa trang Him Lam và Nghĩa trang Độc Lập), thuộc quy mô cấp quốc gia và Nghĩa trang Tông Khao - nơi yên nghỉ của quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên chiến trường thượng Lào và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ phá hoại tại miền Bắc.
Các nghĩa trang đều được chăm sóc, bảo vệ, hương khói chu đáo quanh năm, hơn nữa còn tạo cảnh quan xanh mát, sạch đẹp trở thành những công viên nghĩa trang để các anh yên nghỉ, thân nhân ở xa yên tâm gửi gắm. Không chỉ tại những nghĩa trang liệt sĩ mà bất cứ đâu có phần mộ của các anh đều được các cấp, các đoàn thể chăm lo. Trên địa bàn huyện Tuần Giáo, cụ thể tại các xã Chiềng Sinh, Tỏa Tình, Quài Nưa có khu vực tập trung các ngôi mộ gió do các gia đình có liệt sĩ hi sinh lập lên để tưởng niệm người đã khuất. Chính quyền và đoàn thanh niên các xã đều tổ chức dọn dẹp, lau chùi và thắp hương các ngôi mộ này.
Vừa chăm lo tốt phần mộ của những anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, tỉnh ta luôn làm tròn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với trên 16.400 người có công (NCC) và thân nhân NCC với cách mạng hiện đang sinh sống trên địa bàn. Đầu tiên là việc thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với các trường hợp này. Cùng với đó, giai đoạn 2017 - 2021, có hơn 2.100 NCC được tham gia điều dưỡng, 225 người được trang cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình; tổ chức đón nhận, an táng 152 hài cốt liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ; thực hiện kiểm tra và lấy 36 mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ gửi về Cục NCC (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội) phục vụ công tác giám định danh tính hài cốt liệt sĩ... Trong 5 năm qua, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh cũng nhận được hơn 5 tỷ đồng đóng góp, ủng hộ, thực hiện thăm hỏi, tặng quà các gia đình NCC với cách mạng, tu bổ nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn, hỗ trợ 63 hộ gia đình NCC làm nhà, sửa chữa nhà ở...
Năm nay, kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), trên địa bàn tỉnh ta càng có thêm nhiều hoạt động tri ân thiết thực hướng đến những NCC với cách mạng. Vừa diễn ra ngày 24/7, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức thắp nến tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ Tông Khao và trao 125 suất quà (500.000 đồng tiền mặt và 100.000 đồng trị giá quà) cho các hộ gia đình thương binh, liệt sĩ; tặng 20 con trâu cho gia đình thương binh, liệt sĩ trên địa bàn. Bà Điêu Thị Phản (thôn Thanh Chung, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên) là một trong những hộ nhận trâu trực tiếp trong ngày. Bản thân bà Phản là cựu chiến binh tham gia kháng chiến từ năm 1968 - 1971, chồng bà là liệt sĩ hi sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (ông cũng có hơn 20 năm tham gia quân ngũ). Hiện bà Phản đã cao tuổi, đau yếu; từ khi chồng hi sinh bà đã dành trọn phần đời còn lại để thờ chồng, nuôi dạy con, hiện các con bà đã lớn nhưng đều công tác xa tại huyện Nậm Pồ và Mường Nhé. Bà rất trân trọng sự quan tâm của các cấp, ngành, đoàn thể đối với mình. Bà Phản chia sẻ: “Khác với mọi năm, ngoài phần quà của các cấp gửi tặng và cấp ủy, chính quyền xã đến thăm hỏi, động viên thì năm nay tôi được quan tâm tặng 1 con trâu giống. Đây là món quà giá trị và ý nghĩa đối với bản thân tôi và gia đình. Khi tham gia kháng chiến, tôi và chồng đều cống hiến hết mình vì Tổ quốc, không đòi hỏi bất cứ điều gì. Nhưng sau nhiều năm hòa bình, tôi và gia đình vẫn được Đảng, Nhà nước, địa phương quan tâm, chăm lo, tôi rất xúc động, có lẽ ông nhà cũng yên tâm an nghỉ”.
Trong dịp tháng 7 này, hàng chục nghìn suất quà của Chủ tịch nước, của tỉnh, huyện, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp, các tổ chức, cơ quan, đoàn thể đã được trao tận tay tất cả những gia đình NCC với cách mạng trên địa bàn. Mọi trường hợp đều được quan tâm, chia sẻ. Ông Hoàng Văn Loãn (người bị nhiễm chất độc hóa học dioxin 75%), thôn 2, xã Pom Lót, huyện Điện Biên được đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo một số sở thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và đại diện lãnh đạo huyện, xã tới nhà thăm hỏi, tặng quà. Ông Loãn chia sẻ: “Tôi rất vui và cảm thấy vinh dự khi các đồng chí lãnh đạo tới tận nhà thăm hỏi. Năm nay tôi được nhận quà của cả tỉnh và huyện, tới đúng ngày 27/7 còn được xã tặng quà và tổ chức gặp mặt, mời cơm cùng tất cả các trường hợp NCC trên địa bàn. Năm trước gia đình tôi cũng được hỗ trợ 20 triệu đồng sửa chữa nhà ở. Sự quan tâm này của các cấp thực sự rất ý nghĩa, ấm áp với tôi và gia đình, giúp tôi vui an hưởng tuổi già, dạy bảo tốt các con, cháu”.
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Điện Biên đã và luôn quan tâm, chăm sóc, tri ân NCC bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, bảo đảm 100% gia đình NCC đạt mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân ở nơi cư trú. Nét đẹp tri ân này sẽ luôn sáng mãi để nhắc nhở mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay biết trân trọng những hi sinh cao cả, những cống hiến vô giá cho nền độc lập của cha anh đi trước.