Góc nhìn - Tiêu điểm

Xử lý cán bộ

07:50 - Thứ Bảy, 01/10/2022 Lượt xem: 6214 In bài viết

ĐBP - Việc cơ quan chức năng bắt một số cán bộ, trong đó có một người là phó chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Những người này bị bắt về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” quy định tại Khoản 3, Điều 230 Bộ luật Hình sự.

Dư luận Nhân dân cơ bản đồng tình việc bắt những cán bộ vi phạm thể hiện sự quyết liệt của tỉnh trong việc phát hiện, xử lý những đối tượng vi phạm pháp luật. Điều đó cũng nói lên rằng không có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” ở Điện Biên trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Song cũng có một số luồng ý kiến bày tỏ sự hả hê khi biết thông tin những cán bộ này bị bắt. Có ý kiến mỉa mai nhẹ nhàng, có ý kiến công kích nặng nề, và có cả những suy diễn vô căn cứ, trong khi vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra.

Điều này cũng không khó hiểu. Bởi vì, cán bộ bị bắt càng có vị trí, có chức vụ thì sự quan tâm của xã hội càng lớn, càng nhiều luồng ý kiến… Hơn nữa, vấn đề liên quan đến đất đai luôn nhạy cảm và chưa bao giờ hết “nóng”. Nên khi xảy ra các vụ việc sẽ gây bức xúc trong dư luận. Điều đó cũng khẳng định một sự tin tưởng hoàn toàn chính đáng của Nhân dân, đó là: Cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, là “công bộc” của dân, không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi bất chính.

Người phạm tội sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đó cũng là việc thanh lọc, đưa ra khỏi bộ máy Đảng, chính quyền những người không đủ phẩm chất đạo đức, suy thoái.

Xử lý cán bộ sai phạm là việc làm khó khăn và luôn để lại những bài học đau xót!

Trước hết là nỗi đau của cá nhân bị xử lý. Không có cán bộ nào suy thoái, hư hỏng từ đầu. Có những cán bộ có cả quá trình phấn đấu, có những thành tích được ghi nhận, khen thưởng. Nhưng trong môi trường, điều kiện nhất định, khi mà sự rèn luyện, tu dưỡng không được duy trì thường xuyên, cán bộ đó không còn gương mẫu, trong sạch. Vi phạm pháp luật, bị phát hiện và xử lý, mọi phấn đấu trước đó sẽ bị quên lãng, sự nghiệp kết thúc, dư luận xã hội lên án... là nỗi đau vô cùng của cá nhân bị xử lý. Đối với gia đình, người thân cũng bị ảnh hưởng không nhỏ về tâm lý, tình cảm bởi sự phê phán, công kích của dư luận.

Đối với cơ quan, đơn vị của cán bộ bị bắt chắc hẳn không vui vẻ gì khi đồng chí, đồng nghiệp bị xử lý. Về mặt nào đó, uy tín của cơ quan ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, chưa kể tới liên đới trách nhiệm của cá nhân, của tổ chức.

Một địa phương, cơ quan, tổ chức mà có nhiều trường hợp bị phát hiện vi phạm pháp luật và bị xử lý sẽ luôn có 2 mặt: Vừa thể hiện sự tích cực về quản lý, kiểm tra, giám sát, phòng chống tiêu cực, nhưng cũng nói lên rằng ở đó đã và đang có sai phạm liên quan đến những hạn chế, sơ xuất trong quản lý, điều hành dẫn đến việc vi phạm.

Vì thế, nên có tâm thế không vui chứ đừng tự hào phấn khởi khi phải xử lý nhiều cán bộ vi phạm pháp luật.

Do đó cần giải pháp phòng ngừa các sai phạm bằng giáo dục, kiểm tra, giám sát nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học. Đặc biệt là coi trọng vai trò giám sát, phản biện của Nhân dân; thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”.

Duy Bình
Bình luận

Tin khác

Back To Top