Cùng suy ngẫm

Tài sản của ai?

07:38 - Thứ Tư, 08/02/2023 Lượt xem: 5459 In bài viết

ĐBP - Tại một huyện nghèo trên địa bàn tỉnh ta, thời gian qua xảy ra tình trạng nhiều hộ dân bỏ mặc vườn cây của gia đình mình (phát triển theo mô hình liên kết) sau 1 năm mất mùa chung do thời tiết. Không chỉ vậy, trong quá trình triển khai, khi cấp phát phân bón theo quy định, cán bộ còn phải đến tận nơi, đứng “trông” tại vườn, đợi người dân bón hết rồi mới về. Vì có những trường hợp mang phân đi bán hoặc chăm cho cây trồng khác không nằm trong mô hình liên kết.

Đây không phải câu chuyện lần đầu nhắc đến, cũng không phải riêng địa phương nào mà vẫn rải rác xảy ra ở nhiều nơi trong tỉnh. Nguyên nhân đầu tiên không thể phủ nhận của sự việc là hiệu quả kinh tế của mô hình có thể chưa như kỳ vọng. Tuy nhiên với huyện nghèo trên, nhiều diện tích cây mới đang giai đoạn kiến thiết, hoặc cho thu hoạch 1 vụ, gián đoạn 1 vụ mất mùa do thời tiết. Thẳng thắn mà nói, nguyên nhân từ chính nhận thức, trách nhiệm của người dân, họ chưa thực sự coi vườn cây đó là tài sản của cá nhân, gia đình; chưa đặt sự quan tâm, đầu tư đúng mức để mô hình này trở thành sinh kế, tăng nguồn thu nhập cho mình. Thậm chí còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, vào cơ quan chức năng, đơn vị liên kết.

Nếu cây không được chăm sóc, nguy cơ năm nay tiếp tục mất mùa là rất cao, sẽ dẫn đến mô hình liên kết không hiệu quả, lãng phí công sức, tiền của đã bỏ ra, lãng phí tài nguyên đất. Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể các cấp của huyện nghèo đã đồng loạt triển khai ra quân chăm sóc cây ăn quả để tạo sự lan tỏa, vận động các hộ dân vun xới, bón phân, tỉa cành, phòng sâu bệnh, chuẩn bị đón vụ quả mới. Tại mỗi xã, bản còn xã hội hóa làm mẫu chăm sóc 1 góc vườn để người dân thấy được sự khác biệt của cây khi có công chăm bón.

Khi cây kết trái, người dân thu hoạch; cây sai hoa, đậu quả, ngọt thơm thì tiền về túi dân, nhưng lúc chăm sóc lại cần huy động cả một hệ thống xắn tay vào làm. Nỗ lực đó đáng khen ngợi, giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, nhưng nếu vụ tới còn phải triển khai giải pháp này trên diện rộng thì là mối lo ngại lớn. Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần xem xét lại việc xây dựng mô hình, lựa chọn địa điểm, loại cây trồng, cách thức triển khai, mối liên kết... có phù hợp, đúng đắn. Nhưng trước hết, từ ngay bây giờ, người dân cần nhận thức rõ tài sản đó là của ai, mình hưởng lợi gì từ mô hình này và cần có trách nhiệm như thế nào với nó.

Bảo Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top