Thể lệ Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân lần thứ nhất

13:40 - Thứ Hai, 20/02/2023 Lượt xem: 4669 In bài viết

LTS: Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng) là giải thưởng hằng năm do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức để trao tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc về Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND). Báo Điện Biên Phủ điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Thể lệ Giải Diên Hồng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương và các đại biểu dự buổi Lễ phát động Giải Diên Hồng. Ảnh: Lâm Hiển

THỂ LỆ

Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng) lần thứ nhất

ĐIỀU 1. TÊN GỌI CỦA GIẢI

- Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng) là giải thưởng hằng năm do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức để trao tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc về Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND).

- Năm 2022 (năm đầu tiên tổ chức Giải), tên của Giải là: Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân lần thứ nhất”, gọi tắt là Giải Diên Hồng lần thứ nhất.

ĐIỀU 2. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Quốc hội và HĐND theo Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội khóa XV thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.

- Tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; vai trò của HĐND, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Việc tổ chức Giải báo chí sẽ góp phần tạo động lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội và HĐND.

 - Góp phần nâng cao chất lượng và số lượng các tác phẩm báo chí về Quốc hội và HĐND; động viên, khuyến khích phóng viên các cơ quan báo chí ở trung ương và địa phương tích cực tham gia tuyên truyền về hoạt động, kết quả hoạt động của cơ quan dân cử, nhất là hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân tới diễn đàn Quốc hội và HĐND; đồng thời, ghi nhận và tôn vinh những tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc về đề tài cơ quan dân cử và đại biểu dân cử.

- Thông qua các tác phẩm báo chí đạt Giải góp phần nâng cao nhận thức của xã hội, cử tri và Nhân dân về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Quốc hội và HĐND; tiếp tục hun đúc lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

- Xây dựng hình ảnh đại biểu dân cử có đức, có tài đáp ứng tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, trình độ theo các tiêu chí, quy định của Đảng, Nhà nước; nâng cao chất lượng đại biểu dân cử, góp phần tăng cường niềm tin của cử tri và Nhân dân đối với hệ thống chính trị nước ta.

- Tăng cường vai trò cầu nối quan trọng giữa báo chí với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; củng cố mối quan hệ hợp tác, gắn bó mật thiết giữa cơ quan dân cử, đại biểu dân cử với các cơ quan thông tấn, báo chí nhằm chuyển tải kịp thời, đầy đủ, chính xác, phong phú, sinh động “hơi thở cuộc sống”, tăng cường thông tin hai chiều giữa đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND với cử tri và Nhân dân cả nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần đưa chính sách và pháp luật đi vào cuộc sống.

- Tạo điều kiện thuận lợi để các nhà báo, phóng viên được trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khai thác kiến thức chuyên sâu về vị trí, vai trò, tổ chức, hoạt động của cơ quan dân cử trong hệ thống chính trị.

ĐIỀU 3. NỘI DUNG CÁC TÁC PHẨM BÁO CHÍ THAM DỰ GIẢI

Các tác phẩm tham dự Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng) lần thứ nhất cần bám sát Đề án tổ chức Giải và tập trung phản ánh các nội dung chủ yếu sau đây: Nhấn mạnh vai trò của Quốc hội trong việc chủ động, sáng tạo, tích cực đồng hành cùng Chính phủ và các cơ quan nhà nước kịp thời xây dựng chính sách, pháp luật phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước; tuyên truyền về kết quả và thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; về các sự kiện nổi bật của Quốc hội từ năm 2021 đến tháng 4/2023; về ý nghĩa, kết quả các kỳ họp của Quốc hội, trong đó có kỳ họp bất thường lần thứ nhất, lần thứ hai, Quốc hội khóa XV; về quá trình, kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội trong hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định vấn đề quan trọng của đất nước; về kết quả hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong việc triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; tuyên truyền về những đổi mới, cải tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH; việc thực hiện chức năng hướng dẫn, giám sát hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với HĐND; phản ánh về vị trí, vai trò, quá trình, kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của HĐND; những đổi mới trong tổ chức, phương thức hoạt động của HĐND; phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri và Nhân dân tới Quốc hội, HĐND.

ĐIỀU 4. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Mọi công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài (bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài) có tác phẩm báo chí phù hơp với tiêu chí của Giải đều có quyền gửi tác phẩm tham dự.

2. Tác phẩm/chùm tác phẩm (sau đây gọi tắt là tác phẩm) tham dự Giải Diên Hồng phải được đăng, phát trên các loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình)  do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép và bảo đảm đúng quy định về thời gian đăng, phát; có hiệu quả xã hội cao, được dư luận xã hội thừa nhận.

ĐIỀU 5. TÁC GIẢ, TÁC PHẨM THAM DỰ

1. Các nhà báo chuyên nghiệp hoặc không chuyên, các cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan thông tấn, báo chí là công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước (bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài) hoặc người nước ngoài có tác phẩm báo chí (viết bằng tiếng Việt) được đăng, phát trên các loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình) theo quy định của pháp luật, phù hợp với quy định của Thể lệ Giải Diên Hồng đều có quyền gửi bài tham dự Giải (mỗi tác giả, nhóm tác giả được gửi tối đa 03 tác phẩm). Trường hợp nhiều người cùng thực hiện một tác phẩm thì giải sẽ trao cho Nhóm tác giả (số lượng tác giả của một nhóm tối đa là 07 người).

2. Tác giả tham dự Giải phải không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự; không vi phạm các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; không vi phạm Luật Báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Thành viên của Ban Tổ chức, Hội đồng Giám khảo Giải Diên Hồng không được đăng ký tác phẩm tham dự Giải.

ĐIỀU 6. ĐIỀU KIỆN DỰ GIẢI

1. Đối với tác phẩm

- Các tác phẩm dự Giải Diên Hồng lần thứ nhất được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài được dịch ra tiếng Việt), đã đăng tải, phát sóng trong thời gian từ 01/3/2021 đến 30/4/2023 trên các báo, đài được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động báo chí.

-  Những tác phẩm đã được trao giải thưởng ở các cuộc thi của địa phương, ngành hoặc liên ngành Trung ương được quyền dự Giải Diên Hồng lần thứ nhất nhưng cần ghi rõ mức giải và đơn vị đã tổ chức cuộc thi. Ban Tổ chức không nhận các tác phẩm đã đoạt giải của Giải báo chí quốc gia.

- Tác phẩm tham dự Giải phải bảo đảm đúng quy định Thể lệ Giải Diên Hồng lần thứ nhất; bảo đảm đúng chủ đề, nội dung, sự nghiêm túc, trung thực (đúng địa chỉ, sự việc, số liệu, thời gian) và có giá trị tuyên truyền cao.

- Tác phẩm tham dự Giải phải bảo đảm không có tranh chấp về bản quyền; tác giả gửi tác phẩm dự Giải tự chịu trách nhiệm về các vấn đề pháp lý liên quan đến tác phẩm. Nghiêm cấm các trường hợp sao chép, nếu tác phẩm có sao chép hoặc lợi dụng tác phẩm dự Giải để vu khống, bịa đặt, xuyên tạc thì tác giả phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

- Ban Tổ chức không xem xét tác phẩm dự Giải của tác giả vi phạm Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, Luật Báo chí và các quy định khác của pháp luật; các tác phẩm mang tính hư cấu (thơ, tranh vẽ, tiểu phẩm, truyện ngắn, câu chuyện văn nghệ, kịch truyền thanh); tác phẩm đang chờ ý kiến thẩm định của cơ quan chức năng.

- Mỗi tác phẩm là một tin hoặc một chùm không quá 05 tin, một bài hoặc một loạt bài sẽ không quá 05 kỳ của cùng tác giả hoặc Nhóm tác giả cùng đứng tên về cùng một sự kiện, đề tài. Ban Tổ chức không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng báo khác nhau, không có tên loạt bài.

- Tác phẩm dự Giải phải ghi rõ họ tên tác giả (tên khai sinh và bút danh nếu có); tên tác phẩm, thể loại báo chí, đơn vị, địa chỉ, điện thoại của tác giả; ngày, tháng, năm đăng báo, tạp chí, phát sóng của tác phẩm. Nếu là tập thể tác giả, phải ghi tên từng tác giả, nếu sử dụng bút danh phải ghi rõ tên thật (trong hồ sơ).

- Những tác phẩm bị coi là phạm quy (bị loại) là tác phẩm không đáp ứng các quy định đã nêu trong Thể lệ này.

- Ban Tổ chức không hoàn trả tác phẩm dự Giải và được quyền sử dụng bản quyền tác phẩm dự Giải để tuyên truyền.

2. Đối với các cơ quan báo chí

Cơ quan báo chí được trao Giải Diên Hồng cần bảo đảm các điều kiện sau:

- Được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông.

- Tích cực tham gia hưởng ứng Giải Diên Hồng.

- Tổ chức phát động Giải tại cơ quan bài bản, khoa học, sáng tạo, thu hút nhiều phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tham gia và đạt nhiều kết quả tuyên truyền về Quốc hội và HĐND.

 - Là cơ quan có số tác giả, tác phẩm dự Giải trong số các cơ quan tham dự nhiều nhất và có chất lượng nhất.

- Là cơ quan có tác giả, tác phẩm đoạt Giải hoặc được vào vòng chung khảo.

ĐIỀU 7. HÌNH THỨC TÁC PHẨM DỰ GIẢI

1. Loại hình báo chí dự Giải: Báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình.

2. Thể loại báo chí dự Giải, gồm: Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, chính luận, phóng sự, phóng sự điều tra, ghi chép, bút ký báo chí, giao lưu, tọa đàm, phim tài liệu truyền hình, ảnh báo chí…

3. Tác phẩm dự Giải cần đảm bảo sự chính xác, có tính thuyết phục cao về nội dung và hình thức thể hiện.

ĐIỀU 8. CÁCH THỨC THAM DỰ GIẢI

- Đối với tác phẩm báo in: Gửi phần tác phẩm được đăng cắt từ các báo, tạp chí hoặc photo từ tác phẩm gốc. Trên tác phẩm ghi rõ tên đơn vị, tác giả, tác phẩm, thể loại, thời gian đăng tải, kèm theo xác nhận của đơn vị, cơ quan chủ quản. Bản in phải sạch, đẹp, rõ ràng. Nếu tác phẩm có sự tiếp nối nhỏ, lẻ, phải cắt dán phần tiếp nối trên giấy trắng khổ A4  hoặc A3 và đánh số trang rõ ràng phần tiếp nối. Không nhận tác phẩm đánh máy lại.

- Đối với tác phẩm báo nói: Gửi phần thuyết minh và kịch bản, lời bình kèm theo đĩa CD hoặc USB ghi nội dung tác phẩm. Mỗi đĩa chỉ ghi 01 tác phẩm và trên đĩa phải ghi rõ tên đơn vị, tác giả, tác phẩm, thể loại, thời lượng và thời gian phát sóng; kèm theo xác nhận của đơn vị chủ quản. Nếu là tiếng dân tộc thiểu sổ phải có bản dịch ra tiếng Việt. Thời lượng tác phẩm phát thanh tối đa 60 phút/tác phẩm.

- Đối với tác phẩm báo hình: Cần ghi lên đĩa VCD/USB hoặc DVD, mỗi đĩa chỉ ghi 01 tác phẩm và trên nhãn đĩa ghi rõ tên đơn vị, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, thời lượng và thời gian phát sóng; kèm theo xác nhận của đơn vị chủ quản. Nếu là truyền hình tiếng dân tộc thiểu sổ phải dịch ra tiếng Việt, có phụ để tiếng Việt. Các tác phẩm truyền hình phải gửi kèm theo đường link tác phẩm trên trang điện tử của Đài (nếu có). Thời lượng tác phẩm truyền hình tối đa 90 phút/tác phẩm.

- Đối với tác phẩm báo điện tử: phải là tác phẩm sáng tác lần đầu, thực hiện riêng cho báo điện tử, không phải là phiên bản của báo in. Tác phẩm báo điện tử cần in trên giấy khổ A4, ghi rõ tên báo, tên tác giả và thời gian đăng tải, có hình giao diện của báo, đường link của bài, kèm theo xác nhận của đơn vị chủ quản (không nhận tác phẩm đánh máy lại). Hội đồng chấm giải chấm theo đường link tác phẩm.

- Đối với Ảnh báo chíPhải là tác phẩm ảnh gốc, không chấp nhận ảnh chụp/photo lại từ ảnh gốc. Trên tác phẩm ghi rõ tên đơn vị, tác phẩm, thể loại, thời gian đăng tải, kèm theo xác nhận của đơn vị chủ quản. Mỗi ảnh cần kèm theo chú thích rõ ràng, thời gian chụp, địa điểm chụp.

Tác phẩm ảnh báo chí bao gồm ảnh đơn, chùm ảnh hoặc phóng sự ảnh. Đối với chùm ảnh hoặc phóng sự ảnh về một nội dung đăng báo có nhiều ảnh, chỉ tuyển chọn mỗi chùm ảnh hoặc phóng sự ảnh không quá 10 ảnh, đăng trên cùng một số báo hoặc cùng thời điểm xuất bản (đối với báo điện tử).

ĐIỀU 9. NGUYÊN TẮC CHẤM GIẢI

1. Chính xác, trung thực, khách quan, công bằng.

2. Đúng Thể lệ Giải, tiêu chí, thang điểm do Ban Tổ chức công bố.

3. Đề cao trách nhiệm, tính độc lập của các thành viên Hội đồng chấm giải.

4. Giám khảo chấm điểm theo từng tiêu chí do Ban Tổ chức Giải quy định.

5. Hội đồng chung khảo tổ chức họp toàn thể bỏ phiếu bầu chọn các tác phẩm trao giải A, B, C, Khuyến khích. Việc bỏ phiếu thực hiện theo Thể thức bỏ phiếu do Hội đồng Chung khảo quy định.

ĐIỀU 10. THỜI GIAN VÀ ĐỊA CHỈ NHẬN TÁC PHẨM DỰ GIẢI

1. Thời gian nhận tác phẩm: Từ ngày phát động Giải Diên Hồng đến 30/4/2023 (theo dấu Bưu điện).

2. Địa chỉ nhận tác phẩm

Văn phòng Quốc hội (Vụ Thông tin): số 22 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội. ĐTCQ: 080.46764. DĐ: 0912602767- 0989792626.

   Lưu ý: Đối với hồ sơ gửi qua đường bưu điện, ngoài phong bì ghi rõ: Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Ban Tổ chức Giải không chịu trách nhiệm nếu tác phẩm tham dự Giải bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.

ĐIỀU 11. THỜI GIAN TRAO GIẢI

Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng) lần thứ nhất được trao vào tháng 6/2023.

ĐIỀU 12. GIẢI THƯỞNG

1. Số lượng, giá trị giải thưởng

- Đối với tác phẩm: Giải thưởng được trao cho các tác phẩm báo chí xuất sắc thuộc các thể loại báo chí với số lượng và giá trị giải thưởng như sau:

+ 01 Giải Đặc biệt: 95 triệu đồng.

+ 06 Giải A, mỗi giải 45 triệu đồng.

+ 12 Giải B, mỗi giải 30 triệu đồng.

+ 16 Giải C, mỗi giải 20 triệu đồng.

+ 30 Giải Khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.

- Đối với tập thể: Ban Tổ chức sẽ trao Giải “Xuất sắc” cho 05 cơ quan báo chí tiêu biểu, mỗi giải 10 triệu đồng.

2. Về hình thức khen thưởng

- Đối với các tác giả, tác phẩm đoạt giải: Tặng tiền thưởng, Giấy chứng nhận Giải thưởng kèm biểu trưng Giải thưởng.

- Đối với cơ quan báo chí đạt giải: Tặng tiền thưởng và Bằng khen của Văn phòng Quốc hội.

ĐIỀU 13. GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

1. Các tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về kết quả xét, tặng giải và những vi phạm quy định, trình tự, thủ tục xét, tặng giải. Đơn khiếu nại phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ và lý do khiếu nại gửi cho Cơ quan thường trực Giải báo chí. Không xem xét đơn không có tên, địa chỉ không rõ ràng hoặc mạo danh. Thời gian muộn nhất sau 3 tháng kể từ khi trao giải.

2. Tác phẩm tham dự Giải báo chí nếu vi phạm Luật sở hữu trí tuệ, Luật Báo chí, các quy định của Nhà nước có liên quan và vi phạm các quy định của Giải báo chí, Ban Tổ chức sẽ thu hồi giải thưởng, thông báo cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.

 BAN TỔ CHỨC GIẢI DIÊN HỒNG

Theo daibieunhandan.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top