Sinh hoạt tư tưởng
ĐBP - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Tất cả cán bộ đều phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân”.
Tư tưởng của Bác là vậy, song trong quá trình thực thi công vụ, có lúc, có nơi, không ít cán bộ, công chức, đảng viên không coi mình là công bộc của dân. Thậm chí, có cán bộ, công chức coi quyền hạn, chức trách nhiệm vụ được giao là đặc quyền cá nhân để tùy ý tranh thủ vụ lợi, hành dân... Biểu hiện của tình trạng này là muôn hình vạn trạng, có ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương. Rất nhiều vụ án lợi dụng chức vụ tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án... đã được đấu tranh làm rõ, xử lý nghiêm minh thời gian qua đã cho thấy mức độ nguy hiểm và sự quyết liệt đấu tranh loại bỏ tình trạng này của Đảng, Nhà nước ta.
Song bên cạnh đó cũng không thể chủ quan, coi thường với những biểu hiện cán bộ, viên chức ở cơ sở có tư tưởng “xin, cho”, lợi dụng chức vụ để hành dân. Mặc dù ăn lương, hưởng phụ cấp chức vụ, hưởng làm ngoài giờ, độc hại; giữ cương vị lãnh đạo quản lý để phục vụ nhân dân, nhưng khi thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao thì lại cho mình cái quyền được đòi hỏi dân phải có thành ý: Có lời nhờ vả, quà cáp lót tay, hay chí ít là “vuốt ve, ngọt nhạt”... bằng không thì mọi việc, mọi thủ tục đều trở lên khó khăn hơn, chậm muộn hơn. Kiểu tư tưởng, hành động lệch lạc này cũng không kém phần nguy hiểm; bởi gây mất niềm tin của quần chúng nhân dân vào cơ quan công quyền; dung dưỡng cho tư tưởng, hành động sai phạm ngày càng lớn hơn trong tương lai... Và nếu trong một tập thể, đó không sớm thì muộn cũng thành “nút thắt” về tư tưởng trong cán bộ, nhân viên. Vì những cán bộ, nhân viên ngay thẳng, được việc, chẳng ai muốn hết mình vì nhiệm vụ chung của tập thể; để rồi đến quyền lợi đương nhiên của mình, lại phải cúi mình thì mới được hưởng.
Tuần qua, tôi có ông bạn sang chơi và tâm sự rằng, con ông vừa bị lỡ mất cơ hội xin việc vào một công ty vì nộp hồ sơ muộn. Lên hỏi thì cán bộ xã trả lời là nhiều việc quá nên quên mất chưa xem; rằng đáng nhẽ bác phải chủ động nói một tiếng chứ. Tôi thì cũng biết vậy thôi, nhưng bà hàng xóm thì nửa đùa nửa thật bảo. Nhắc cái gì, có công có việc thì phải đến nhà, cũng đừng đến tay không ông ạ. Nghĩ mà buồn.