Đoàn ĐBQH tỉnh làm việc với UBND tỉnh về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021

18:49 - Thứ Hai, 13/03/2023 Lượt xem: 5018 In bài viết

ĐBP - Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016- 2021” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều nay (13/3), Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi làm việc với UBND tỉnh. Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, đồng chí Phạm Đức Toàn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm việc với đoàn giám sát.

Đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, đoàn giám sát đã nêu các vấn đề cần làm rõ: Việc đấu nối các nguồn điện từ các thủy điện vào lưới điện còn khó khăn; dự án cấp điện nông thôn, miền núi giai đoạn 2014 - 2020 triển khai như thế nào, còn vướng mắc và khó khăn gì? Vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động trong quá trình triển khai các dự án thủy điện?...

Theo báo cáo của UBND tỉnh: Đến hết năm 2022 trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 58 dự án/nhà máy thủy điện được phê duyệt trong quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Điện Biên, tổng công suất lắp máy dự kiến là 660,8MW, trong đó: 17 nhà máy thủy điện đang vận hành khai thác, tổng công suất lắp máy 248,3MW; 24 dự án thủy điện đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư/quyết định chủ trương đầu tư, tổng công suất lắp máy dự kiến là 294,6MW. Việc đầu tư các dự án thủy điện tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, làm tăng nguồn thu ngân sách địa phương, tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phát huy hiệu quả đầu tư. Các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh chủ yếu là công trình vừa và nhỏ, số hộ dân và diện tích đất đai bị ảnh hưởng không lớn, chủ yếu là bồi thường về đất nương, đất sông suối, hạn chế sử dụng diện tích đất ruộng và đất rừng, không phải thực hiện di dân tái định cư, chỉ thực hiện di vén dân tại chỗ. Trong những năm qua công tác đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, các dự án trên địa bàn tỉnh được Trung ương, Bộ Công thương, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong quá trình triển khai thực hiện; quan tâm thu hút các nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư.

Tuy nhiên, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất rừng, đất nông nghiệp còn nhiều trở ngại, kéo dài gây khó khăn trong việc triển khai các dự án thủy điện, lưới điện đảm bảo đúng tiến độ. Việc thoả thuận đấu nối và đấu nối các nhà máy thuỷ điện vào lưới điện quốc gia còn nhiều khó khăn cũng ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành đưa vào vận hành khai thác của các dự án, một số dự án phải dãn tiến độ thi công. Công tác khảo sát, lập dự án đầu tư và thực hiện các nội dung công việc về đầu tư xây dựng các nhà máy thuỷ điện còn chậm, kéo dài. Một số dự án chưa xác định được phương án đấu nối, điểm đấu với lưới điện quốc gia; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt thấp. Nhiều thôn bản vùng sâu, vùng xa giao thông đi lại khó khăn, dân cư sống rải rác dẫn đến việc đầu tư lưới điện rất khó khăn.

Đối với các điểm mỏ đa phần các mỏ than chưa được thăm dò, đánh giá về chất lượng và trữ lượng. Các điểm mỏ hiện tại đang được phép hoạt động khai thác trên địa bàn chủ yếu dựa vào các tài liệu điều tra, đánh giá sơ bộ, chưa đủ tin cậy về chất lượng và trữ lượng. Vì vậy sản lượng khai thác không đạt được theo kế hoạch đã đề ra và thiết kế đã phê duyệt.

Thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Phạm Đức Toàn đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các trạm biến áp và tuyến đường dây 110kV, 220kV theo Quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến 2035. Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110kV được Bộ Công thương phê duyệt tại Quyết định số 3131/QĐ-BCT ngày 15/8/201. Đối với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, trong quá trình tiếp xúc cử tri trên địa bàn tỉnh, tiếp tục quan tâm tuyên truyền các chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển năng lượng. Đặc biệt là tuyên truyền, vận động Nhân dân khu vực dự án tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đối với các dự án thủy điện, lưới điện và năng lượng tái tạo khác được đầu tư bằng nguồn vốn của nhà đầu tư mà phải thực hiện thỏa thuận đơn giá nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Tin, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top