Tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư y tế

14:31 - Thứ Tư, 15/03/2023 Lượt xem: 5849 In bài viết

Sáng 15-3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 21, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Quang cảnh phiên họp.

Không nên tách riêng phần thu từ hoạt động tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 100 điều, giữ nguyên số chương, tăng thêm 2 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư. Trong đó, dự thảo Luật đã được hoàn thiện theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của ngành Y tế nói chung cũng như hoạt động đấu thầu, đặc biệt là vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế nói riêng.

Đối với vốn nhà nước từ hoạt động tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, qua nghiên cứu, trao đổi với các cơ quan liên quan và làm việc với Bộ Y tế và một số bệnh viện lớn thực hiện tự chủ, các đơn vị cho rằng, lĩnh vực y tế đang tiến tới lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh thì không cần thiết tách riêng nguồn thu từ hoạt động tự chủ, bởi trên thực tế, khó có thể hạch toán riêng biệt, tách bạch rõ ràng phần vốn này.

Mặt khác, theo quy định của Luật Đầu tư công, nguồn vốn đầu tư từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công là vốn đầu tư công, do đó phải thực hiện đấu thầu và được thực hiện ổn định từ trước đến nay. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thống nhất không quy định tách riêng phần thu từ hoạt động tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Về mua thuốc, vật tư y tế - nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn thời gian gần đây, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng rất chú trọng nội dung này. Dự thảo luật quy định áp dụng chỉ định thầu đối với “Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phí tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân”. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định về gói thầu “phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay” có thể dẫn đến lạm dụng chỉ định thầu. 

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu thảo luận.

Cần luật hóa nhiều quy định

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh bày tỏ thống nhất với nhiều ý kiến của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Trong đó, về vốn nhà nước từ hoạt động tự chủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng thuận với việc không tách phần thu từ các đơn vị sự nghiệp công, vì các đơn vị ngành y tế đang thực hiện tự chủ theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Đầu tư công.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, quy định về gói thầu phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu dịch bệnh cần triển khai ngay có thể dẫn đến lạm dụng, chỉ định thầu. Do đó, bà Nguyễn Thúy Anh đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện về dịch bệnh, thành phần tham gia, trong đó nên có đại diện cơ quan bảo vệ pháp luật, yêu cầu về giá tối thiểu tham khảo...

Phát biểu thảo luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu bổ sung cấu phần hóa chất trong việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và mua sắm hàng dự trữ quốc gia. “Quy định này có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành y”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý đối với lĩnh vực y tế, cần nghiên cứu thêm một số nội dung để vận hành tốt hơn như trong đàm phán giá thuốc và vấn đề đấu thầu đối với biệt dược, vấn đề hóa chất…; đồng thời đề nghị tổ chức thành một chương của luật về “Quy định về mua sắm tập trung, mua thuốc, hóa chất, mua trang thiết bị y tế, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công” để bảo đảm đầy đủ hơn.

Giải trình liên quan đến quy định gói thầu đối với các loại thuốc hóa chất trong phòng, chống dịch dễ dẫn tới tình trạng lạm dụng, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận khẳng định, việc mua các vật tư, trang thiết bị, hóa chất phòng chống dịch có những điều kiện kèm theo. Ví dụ, phải được bố trí vốn, kinh phí để mua... Trường hợp xảy ra thiên tai, các cơ sở y tế cấp huyện, cấp tỉnh khi có nhu cầu thuốc, trang thiết bị tăng đột biến thì được phép mua để đáp ứng yêu cầu cấp cứu. Do đó, quy định trong trường hợp này là cần thiết.

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, trong quá trình thực hiện các quy định về đấu thầu trong hoạt động Y tế nảy sinh nhiều khó khăn do quy định từ các văn bản dưới luật còn nhiều vướng mắc. Bộ trưởng cho rằng, việc luật hóa các quy định về đấu thầu đối với hoạt động y tế trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ giải quyết căn cơ những vấn đề còn tồn tại.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận phiên thảo luận.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, xin ý kiến hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top