ĐBP - Ngày 16/3, Ban Chỉ đạo đầu tư xây dựng và di chuyển các cơ quan tỉnh vào Khu trung tâm hành chính, chính trị tỉnh tổ chức họp để nghe UBND tỉnh báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch di chuyển trụ sở các cơ quan hành chính tỉnh vào Khu trung tâm hành chính, chính trị tỉnh Điện Biên.
Các đồng chí: Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lò Văn Phương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đồng chủ trì cuộc họp.
Kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng và di chuyển các cơ quan tỉnh vào Khu trung tâm hành chính, chính trị mới tỉnh Điện Biên gồm 3 nhóm dự án: Các dự án về tái định cư và giải phóng mặt bằng (2 dự án); các dự án về kết cấu hạ tầng đô thị (3 dự án) và các dự án về xây dựng trụ sở cơ quan (10 dự án). Triển khai thực hiện Kế hoạch số 3341/KH-UBND ngày 29/12/2021 của UBND tỉnh Điện Biên và các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, các ngành, đơn vị có liên quan đã quyết liệt, khắc phục khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Đến nay, có 5/15 dự án cơ bản đảm bảo theo tiến độ kế hoạch đề ra, gồm: 2 dự án tại địa phương thực hiện và 3 dự án ngành dọc (trụ sở Bảo hiểm Xã hội, Tòa án Nhân dân tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh).
Tuy nhiên, qua rà soát và so sánh với kế hoạch dự kiến ban đầu còn nhiều dự án chậm so với kế hoạch, cụ thể là: 10/15 dự án quan trọng chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Trong đó, một số dự án quan trọng chậm tiến độ, như: Dự án Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12 (đoạn trong phạm vi quy hoạch) chậm 5 tháng; Dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông nội thị Khu trung tâm hành chính, chính trị chậm 5 tháng; Dự án Nhà khách tỉnh Điện Biên chậm 5 tháng; Dự án Xây dựng các tòa nhà trụ sở Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH-HĐND-UBND tỉnh và Dự án Xây dựng các tòa nhà trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh chậm 6 tháng… Bên cạnh đó, công tác đo đạc, kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư không đảm bảo theo tiến độ chung để hoàn thành và bàn giao toàn bộ mặt bằng trong năm 2022. Tiến độ triển khai thực hiện các nội dung công việc được giao của các đơn vị chủ đầu tư còn rất chậm so với tổng tiến độ chung trong kế hoạch mà UBND tỉnh đã đề ra; khối lượng công việc được thực hiện trong kỳ báo cáo này vẫn không có nhiều chuyển biến đáng kể so với kỳ báo cáo trước. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan chủ yếu được xác định là do cách thức tổ chức triển khai nhiệm vụ của các chủ đầu tư chưa quyết liệt, chưa đưa ra các giải pháp bằng các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, chi tiết; công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ, chưa chủ động bám sát các nhiệm vụ để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh; khả năng cân đối bố trí vốn của tỉnh gặp khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu.
Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo yêu cầu chủ đầu tư các dự án giải trình những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án. Các đại biểu tập trung thảo luận, bàn giải pháp tháo gỡ tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án; vướng mắc pháp lý về kiến trúc các công trình; khả năng cân đối vốn của tỉnh; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; giải pháp sắp xếp, tăng cường cán bộ của TP. Điện Biên Phủ để thực hiện các nhiệm vụ, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, thành viên Ban Chỉ đạo yêu cầu các Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đã có mặt bằng và đã được bố trí vốn, nhất là dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công và vốn hậu tái định cư Thủy điện Sơn La.
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành liên quan; UBND TP. Điện Biên Phủ và các chủ đầu tư xây dựng đường găng, tiến độ và cam kết với Ban Chỉ đạo về trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu đối với tiến độ thực hiện của 10/15 dự án chậm tiến độ, gửi Ban Chỉ đạo trước ngày 1/4/2023 để theo dõi, chỉ đạo, đánh giá; tăng cường hiệu quả công tác phối hợp, chủ động trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Sở Xây dựng tiếp tục hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các dự án theo quy định để sớm khởi công; đồng thời, hướng dẫn thực hiện điều chỉnh các dự án (nếu có). Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, chủ động hướng dẫn UBND thành phố, các chủ đầu tư thực hiện các quy định liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án. Ban Thường vụ Thành ủy Điện Biên Phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo UBND thành phố Điện Biên Phủ quyết tâm hơn, quyết liệt hơn để đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu, điểm tái định cư; triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm, lập, phê duyệt, thực hiện các phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư bảo đảm công khai, minh bạch và đúng trình tự quy định.