Bài dự thi “Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân lần thứ nhất”

Để xứng đáng là những “viên gạch hồng” (bài 4)

07:53 - Thứ Ba, 18/04/2023 Lượt xem: 5176 In bài viết

Bài 4: Từ lời hứa đến hành động

ĐBP - Lời hứa và thực hiện lời hứa của đại biểu HĐND các cấp có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Thực hiện lời hứa với cử tri, những nhiệm kỳ trước và từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay, đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có những cách làm thiết thực, cụ thể để “biến” cam kết, lời hứa thành hành động, mang lại niềm tin cho cử tri, góp phần hiện thực hóa chỉ tiêu, nghị quyết phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, nâng cao đời sống Nhân dân.

Bài 1: Cuộc “đàm phán” trên đỉnh Pu Cai

Bài 2: Hiểu đúng giữa quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm

Bài 3: Níu giữ lòng dân

Những năm qua, đại biểu HĐND tỉnh tăng cường công tác giám sát, giải quyết kiến nghị của cử tri, thực hiện lời hứa, chương trình hành động. Trong ảnh: Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát Nhà máy nước huyện Mường Ảng.

Ngược thời gian trước ngày 23/5/2021, đây là thời điểm các ứng cử viên thực hiện tiếp xúc cử tri, trình bày chương trình hành động và những cam kết của mình với cử tri nơi ứng cử nếu trúng cử đại biểu. Qua theo dõi, tổng hợp, chương trình hành động của các ứng cử viên thể hiện sự quyết tâm rất cao với những công việc quan trọng sẽ thực hiện khi trúng cử, như: Đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm; giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; vấn đề giải quyết việc làm cho lao động; công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự…

Rút kinh nghiệm từ những nhiệm kỳ trước, có đại biểu hứa hẹn rất nhiều, nhưng khi trúng cử lại không thực hiện đúng cam kết. Vì vậy, tại nhiệm kỳ 2021 - 2026 này, ngay sau khi trúng cử, đại biểu HĐND các cấp tỉnh Điện Biên đã sớm có những hành động cụ thể để đưa những lời hứa của mình đi vào thực tiễn.

Tại các kỳ họp HĐND các cấp, trong các phiên chất vấn, trả lời chất vấn, đại biểu đã thể hiện rất rõ vai trò là người đại biểu dân cử. Nhiều vấn đề “nóng” từ phát triển kinh tế - xã hội bền vững đến dân sinh, an sinh xã hội đều được đại biểu đưa vào nghị trường, làm rõ và đề nghị các giải pháp giải quyết theo hướng tích cực. Nhiều ý kiến đã được ghi nhận, đưa vào nghị quyết của HĐND các cấp để sớm cụ thể hóa chủ trương, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Nhiều vấn đề nóng được các đại biểu chất vấn tại nghị trường, yêu cầu các sở, ngành, tỉnh giải đáp thấu đáo. Trong ảnh: Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tại nghị trường.

Nổi lên trong rất nhiều ý kiến của cử tri tỉnh Điện Biên, đó là những băn khoăn về 2 dự án Nhà ở đô thị trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), gồm: Dự án Khu nhà ở Tân Thanh và dự án Khu nhà ở Tây Nậm Rốm. Mặc dù được triển khai từ năm 2013, nhưng vẫn chưa hoàn thành. Cả 2 dự án trên đều được thanh tra kết luận là có nhiều sai phạm trong quá trình triển khai dự án. Đến nay, sau 10 năm người dân vẫn chưa nhận được nhà đất như cam kết (trong quá trình triển khai dự án chủ đầu tư đã lách luật, kêu gọi nhiều người dân tham gia góp vốn đầu tư).

Để rộng đường dư luận, tại các kỳ họp của HĐND tỉnh, nhiều đại biểu chất vấn các sở, ngành liên quan và yêu cầu đơn vị liên quan trả lời cụ thể, rõ ràng để người dân yên tâm. Mới đây nhất, tại kỳ họp HĐND tỉnh Điện Biên cuối năm 2022, đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư Điện Biên cho rằng, hiện nay dự án Khu Nhà ở Nậm Rốm, cơ quan chức năng đang đôn đốc nhà đầu tư nộp tiền sử dụng đất để được kinh doanh bất động sản và được cấp quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Đối với dự án Khu Nhà ở Tân Thanh, các đơn vị liên quan cũng đang tiến hành xác định giá đất, giao đất và xác định tiền sử dụng đất, sẽ tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và quy mô đầu tư theo quy định.

Không chỉ chất vấn tại nghị trường, trong công tác giám sát, đại biểu đã lựa chọn những vấn đề nổi bật, điển hình để thực hiện và kiến nghị giải quyết tận gốc những tồn tại, hạn chế qua giám sát.

Đơn cử, trong năm 2022, HĐND tỉnh Điện Biên đã tổ chức cuộc giám sát về “Việc quản lý và sử dụng đất của tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã) trên địa bàn tỉnh từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành đến 31/12/2021”. Qua giám sát cho thấy, UBND tỉnh đã thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất thuê đến thời điểm 30/6/2014 và từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành đến hết năm 2021 cho 186 tổ chức, với tổng diện tích là hơn 25,166 triệu mét vuông. Đồng thời, đã thực hiện thu hồi 118,65ha đất của 15 tổ chức do vi phạm pháp luật về đất đai, không còn nhu cầu sử dụng, giải thể... Tổng số tiền thuê đất chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính lũy kế đến hết năm 2021 là 14,221 tỷ đồng và 1 tổ chức được giao đất chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính với số tiền là hơn 32 tỷ đồng.

Qua giám sát, các đại biểu đã đề nghị UBND tỉnh Điện Biên giải trình một số tồn tại, hạn chế và bất cập trong việc quản lý và sử dụng đất của tổ chức trên địa bàn tỉnh, như: Công tác quản lý đất đai của một số sở, ngành, địa phương cấp huyện, cấp xã thiếu chặt chẽ, còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém; chưa kịp thời nắm bắt được tình hình sử dụng đất của các tổ chức trên địa bàn quản lý; công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất chưa được thường xuyên, dẫn đến một số tổ chức sau khi được giao đất, cho thuê đất đã sử dụng không đúng mục đích, không đúng vị trí được giao, không phát huy hiệu quả sử dụng đất; một số tổ chức thực hiện việc quản lý sử dụng đất được nhà nước cho thuê còn chưa đảm bảo đúng quy định…

Trên cơ sở đó, HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, chính quyền địa phương tổ chức rà soát, phân loại và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời chấn chỉnh, nâng cao công tác quản lý Nhà nước trong việc quản lý và sử dụng đất của tổ chức trên địa bàn tỉnh gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trên từng địa bàn.

Hàng loạt nội dung kiến nghị chính đáng của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, phản ánh đến đại biểu cũng được trả lời, giải quyết chính đáng và những cam kết, chương trình hành động của các đại biểu đã và đang được thực thi nghiêm túc, hiệu quả.

Cà Là Pá - cái tên được biết đến là một bản, một điểm nóng về di cư tự do ở xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực từ mọi phía, đặc biệt vai trò của đại biểu HĐND, hiện Cà Là Pá đã có những đổi thay nhất định. Khác với diện mạo cách đây 4 - 5 năm, Cà Là Pá thời điểm này đã có nhiều nhà ở vững chắc. Những túp lều bằng bạt, bằng tre, nứa đã được dỡ bỏ và thay vào đó là những ngôi nhà lớn hơn. Nhiều kiến nghị chính đáng của người dân như đầu tư đường giao thông, điện, nước sinh hoạt… đang dần được hiện thực hóa qua từng năm, từng nhiệm kỳ. Nếu như tại thời điểm bầu cử của năm 2021, bản chưa có đường giao thông, thì nay đã được đầu tư hệ thống đường giao thông nội bản khang trang, sạch đẹp. Qua đó, góp phần giữ niềm tin của cử tri vào đại biểu và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Thống kê cho thấy, nhiệm kỳ 2016 - 2021 và từ 2021 đến nay, tính riêng các tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử trên địa bàn các huyện, thị, thành phố, đã tiến hành tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh, tại hơn 450 điểm với 127.878 cử tri là nhân dân các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trên địa bàn 10/10 huyện, thị xã, thành phố. Qua đó, tổng hợp 4.472 kiến nghị (442 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, 20 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương và 3.810 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, cấp xã). Đến nay, các kiến nghị chính đáng của cử tri đã được HĐND các cấp chuyển đến cơ quan chức năng giải quyết và được theo dõi giải quyết triệt để. Những vấn đề vượt thẩm quyền, cũng được chuyển đến cơ quan cấp cao xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri thỏa đáng.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mường Ảng tiếp xúc, đối thoại với cử tri và Nhân dân xã Búng Lao để giải quyết các vướng mắc liên quan đến dự án triển khai trên địa bàn.

Có thể khẳng định, những năm qua, mỗi đại biểu HĐND các cấp trong tỉnh cơ bản hoàn thành chương trình, hành động đã hứa trước cử tri và Nhân dân. Các đại biểu luôn xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, trách nhiệm, gương mẫu mọi mặt; thực hiện tốt phương châm gần dân, trọng dân, gắn bó, liên hệ mật thiết với cử tri, Nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; phản ánh kịp thời, tham gia vào quá trình giải quyết kiến nghị của cử tri, từ đó giúp xây dựng chính quyền minh bạch, của dân, do dân và vì dân.

Các hành động thiết thực, cụ thể của cơ quan dân cử trong thời gian qua đã củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững. Đến nay, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã đi qua gần 1/2 chặng đường. Những lời hứa và chương trình hành động của các ứng viên đại biểu đã, đang được chuyển tải đến cử tri qua nhiều hội nghị tiếp xúc cử tri trực tuyến, trực tiếp.

Nhiệm kỳ 2021 - 2026, cử tri tỉnh Điện Biên đã bầu chọn được 52 đại biểu HĐND tỉnh, 322 đại biểu HĐND cấp huyện và 2.711 đại biểu HĐND cấp xã. Qua theo dõi, giám sát chương trình, hành động các đại biểu HĐND của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh, đến nay, trên 97% các đại biểu đều thực hiện tốt lời hứa, chương trình, hành động của mình với cử tri nơi ứng cử. Nhiều đại biểu đã được cử tri, Nhân dân tin tưởng, đánh giá cao năng lực, trình độ và sự cống hiến của bản thân với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài 5: Mỗi đại biểu phải xứng đáng với niềm tin và lá phiếu của cử tri (bài cuối)

Văn Quyết - Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top